Những ngày này, nhân dân các xã từ vùng thấp đến vùng cao huyện Văn Chấn đang tập trung làm đất, gieo mạ và gieo cấy lúa xuân. Trong đó, công tác chống hạn bảo đảm đủ nước cho lúa được người dân cũng như chính quyền địa phương đặc biệt coi trọng.
Anh Hoàng Văn Đấu, thôn Bản Viềng, xã Sơn A cho biết: "Nhà tôi có hơn 6 sào ruộng, hiện nay đã gieo cấy xong. Để bảo đảm đủ nước cho cây lúa sinh trưởng, phát triển, tôi thường xuyên thăm đồng và nạo vét kênh mương dẫn nước về ruộng; đồng thời, đắp bờ hạn chế thất thoát nước”.
Theo rà soát, vụ xuân 2019 - 2020, xã Sơn A có 114,4 ha có nguy cơ thiếu nước, bị hạn. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chỉ đạo các thôn, bản vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây giống, chuyển đổi diện tích lúa không chủ động được nước tưới sang trồng cây màu để nâng cao hiệu quả sản xuất và tổ chức ra quân nạo vét kênh mương nội đồng, đắp đập tạm để đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới cho sản xuất cả vụ.
Được biết, vụ xuân 2020, huyện Văn Chấn có kế hoạch gieo cấy 4.060 ha. Qua rà soát, toàn huyện có khoảng 290,4 ha có nguy cơ bị hạn, thiếu nước, tập trung nhiều ở các xã: Sơn A, Hạnh Sơn, Tân Thịnh, Thanh Lương...
Ông Hoàng Hữu Dũng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: "Bảo đảm cho sản xuất vụ xuân, đơn vị tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước tới người dân để nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước tiết kiệm; vận động nhân dân phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy nước, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm, sử dụng nguồn nước có hiệu quả nhằm đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Phòng phối hợp với các địa phương vận động nhân dân tăng cường sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước và chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thiếu nước”.
Cùng với sự chủ động của ngành nông nghiệp, các địa phương, người dân thì Công ty TNHH Nghĩa Văn cũng tăng cường thực hiện việc nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để phục vụ tưới; tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau mùa mưa từ ao, hồ, sông, suối cũng như giảm thiểu thất thoát, lãng phí nguồn nước.
Ông Phạm Minh Quang - Chủ tịch Công ty TNHH Nghĩa Văn cho biết: "Ngay sau khi thu hoạch vụ đông năm 2019, các cụm thủy nông đã tiến hành dẫn nước về các điểm có thể xảy ra hạn hán, những triền cao, cuối nguồn. Bên cạnh đó, Công ty tiến hành nạo vét, phát dọn, khơi thông dòng chảy; đồng thời, thực hiện tưới luân phiên, hợp lý, hạn chế đến mức thấp nhất rò rỉ, mất nước và chuẩn bị máy bơm tại những vị trí thường xảy ra hạn hán, thiếu nước”.
Trong khoảng 3 tháng đầu từ khi gieo cấy, việc cung ứng đủ nước có vai trò rất quan trọng cho cây lúa sinh trưởng và phát triển, nhất là thời kỳ đẻ nhánh. Do vậy, huyện Văn Chấn cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan khối nông nghiệp, xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để vận hành tích nước các hồ chứa phù hợp, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng thời phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình đập, hồ chứa nước; thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi; có kế hoạch phân phối nước hợp lý để đảm bảo cung cấp đầy đủ.
Hùng Cường