Từ những con đường chiến lược
Dấu ấn nổi bật trong phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh là công trình đường tránh ngập, nay gọi là đường Âu Cơ kết nối thành phố Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Vượt qua những khó khăn, thách thức, ngày 1/5/2015, lễ thông xe nút giao IC12 Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đường tránh ngập được tổ chức trong niềm hân hoan của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tuyến đường này có tổng vốn đầu tư 996 tỷ đồng, dài 10,3 km và điểm đầu là Km5 trung tâm thành phố, điểm cuối là điểm giao cắt với cao tốc; mặt cắt ngang nền đường 50 m, trong đó, bề rộng mặt đường 21 m, bề rộng dải phân cách 9 m, bề rộng vỉa hè 20 m.
Đường tránh ngập không chỉ kết nối giao thông Yên Bái với Hà Nội và các tỉnh trong khu vực, mà còn mang một ý nghĩa, vị trí chiến lược trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đó là mở rộng phát triển thành phố Yên Bái sang hữu ngạn sông Hồng, tạo nên bộ mặt mới mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố Yên Bái nhanh chóng trở thành đô thị mới, xanh - sạch - đẹp.
Ngoài tuyến đường tránh ngập, 5 năm qua, tỉnh đã tận dụng các nguồn lực, tập trung đầu tư cho phát triển các tuyến giao thông huyết mạch, tập trung kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Trong đó, phải kể đến công trình đường nối nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên dài trên 4 km được bàn giao đưa vào sử dụng đã rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển của nhân dân; đồng thời, kết nối các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn và một số xã phía Tây của huyện Trấn Yên với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thành phố Yên Bái.
Theo Sở Giao thông Vận tải, giai đoạn 2016 - 2019, Yên Bái đã hoàn thành đầu tư nâng cấp và xây dựng mới 9 dự án với chiều dài 138,5 km và tổng kinh phí là 502,578 tỷ đồng. Tiêu biểu như đường Cảng Hương Lý - Văn Phú; đường Yên Thế - Vĩnh Kiên; đường Văn Chấn - Trạm Tấu; đường Yên Bái - Khe Sang... Các tuyến đường này không chỉ tạo điều kiện thuận cho việc đi lại của nhân dân mà còn kết nối giao thương giữa các vùng miền, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Yên Bái.
Xác định hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược, tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai một số dự án như: dự án đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án đường nối quốc lộ 32C với đường Âu Cơ, thành phố Yên Bái (theo hình thức BT); dự án kết nối quốc lộ 32 tại thị xã Nghĩa Lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC14; dự án cầu Cổ Phúc; đường Khánh Hòa - Văn Yên…
Từ đây, cơ hội thông thương, kết nối hạ tầng hai bờ sông Hồng được mở ra, góp phần đưa thành phố xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh và sớm trở thành đô thị loại II vào năm 2020 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra.
Đến cây cầu khát vọng
Nhắc đến những công trình giao thông trọng điểm 5 năm qua, không thể không nhắc đến 2 cây cầu hiện đại bậc nhất hiện nay bắc qua sông Hồng là cầu Bách Lẫm và cầu Tuần Quán. Còn nhớ, sáng 29/6/2015, hàng nghìn người dân xã Giới Phiên và thành phố Yên Bái đã đến tham dự lễ khởi công xây dựng cầu Tuần Quán.
Ai cũng náo nức vì chỉ một thời gian nữa thôi dự án công trình đường, cầu Tuần Quán với tổng mức đầu tư 674,736 tỷ đồng sẽ được đưa vào sử dụng, kết nối thông thương giữa đôi bờ sông Hồng để mở rộng không gian xây dựng và phát triển đô thị thành phố Yên Bái. Vì thế, nhiều gia đình đã tự nguyện di dời nhà cửa, đất đai, ruộng vườn nhường đất cho công trình để các nhà thầu thi công kịp tiến độ.
Gần 1 năm sau sự kiện đó, các cấp chính quyền và hàng nghìn người dân Yên Bái lại đón thêm niềm vui khi dự án công trình cầu Bách Lẫm - cây cầu thứ 5 bắc qua sông Hồng được khởi công xây dựng vào ngày 18/5/2016.
Với tổng vốn đầu tư 512 tỷ đồng, cầu Bách Lẫm được thiết kế vĩnh cửu, hiện đại với quy mô bề rộng toàn cầu 16 m cho nhịp dẫn và bề rộng toàn cầu 18 m cho nhịp chính, chiều dài toàn cầu 435,5 m.
Cầu có điểm đầu gắn với ngã tư Cao Lanh, đầu đại lộ Nguyễn Thái Học thuộc phường Yên Ninh; điểm cuối giao cắt với quốc lộ 32C tại lý trình Km 92+987,24 thuộc khu vực UBND xã Giới Phiên.
Mong ngóng, chờ đợi mãi để rồi vượt qua nhiều khó khăn do nắng nóng, mưa lũ với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của nhà thầu cùng các đơn vị thi công, lần lượt 2 công trình cầu trọng điểm đã hoàn thành. Từ đây, cơ hội thông thương, kết nối giữa hai bên bờ sông Hồng, mở rộng không gian đô thị thành phố Yên Bái.
Ông Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải khẳng định: "Cầu Bách Lẫm, Tuần Quán được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ mở ra cơ hội thông thương, kết nối đôi bờ sông Hồng, tạo động lực để thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển, mở ra điều kiện và lợi thế thu hút đầu tư xây dựng khu đô thị mới, trung tâm dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và khu công nghiệp tại các xã hữu ngạn sông Hồng, từng bước nâng cao đời sống của người dân Yên Bái”.
Không dừng lại ở đây, vừa qua, tỉnh đã giao cho chủ đầu tư lựa chọn các nhà thầu để triển khai thi công công trình cầu Cổ Phúc. Khi hoàn thành, đây sẽ là cây cầu thứ 6 bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh, giúp kết nối thị trấn Cổ Phúc với các xã bên sông của huyện Trấn Yên, mở ra cơ hội giao thương, phát triển kinh tế - xã hội cho nhân dân các dân tộc trong huyện.
Chưa bao giờ hệ thống giao thông Yên Bái lại có sự hoàn thiện, đồng bộ như bây giờ. Đây chính là đòn bẩy để Yên Bái có những bước chuyển mình mạnh mẽ và cất cánh vươn cao khu vực vùng Tây Bắc.
Hùng Cường