Mặc dù, chỉ canh tác được vụ xuân trong khoảng 3 tháng nhưng hiệu quả kinh tế đem lại khá cao. Tuy nhiên, việc canh tác hoàn toàn tự phát, mạnh ai nấy làm, không có sự quản lý của Nhà nước, nên về lâu dài việc tranh chấp đất có thể xảy ra.
Các xã: Mông Sơn, Phúc An, Kiên Thành, Xuân Lai, Cảm Nhân, Mỹ Gia thuộc huyện Yên Bình là những xã có diện tích đất sản xuất dưới cốt nước hồ nhiều nhất (bình quân 40 ha đến gần 100 ha mỗi xã).
Bà Hoàng Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Cảm Nhân cho biết: để nâng cao thu nhập cho nông dân, hàng năm, xã tập trung vận động các hộ tận dụng đất dưới cốt nước hồ để đưa các loại cây màu vào canh tác. Tuy nhiên, những diện tích đất dưới cốt nước hồ không thuộc phạm vi quản lý của xã, nên không thể giao khoán cho nhân dân. Việc sản xuất cũng là tự phát, mạnh ai nấy làm, nên về lâu dài xã kiến nghị với huyện có cơ chế quản lý cũng như giao khoán cụ thể để nông dân yên tâm sản xuất, tránh xảy ra tranh chấp sau này.
Hầu hết những diện dưới cốt nước hồ Thác Bà không thuộc quyền quản lý của UBND huyện Yên Bình mà thuộc thẩm quyền quản lý của Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà nên huyện không thực hiện việc giao khoán cũng như không giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất cho các địa phương.
Ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết: thực hiện chủ trương của Huyện ủy đưa các loại cây màu, cây nông nghiệp vào gieo trồng trên diện tích đất bán ngập dưới cốt nước hồ để tăng thu nhập cho nông dân các xã vùng ven hồ, đơn vị đã tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo các xã có nhiều diện tích dưới cốt hồ tập trung vận động nhân dân đưa các loại cây màu vào gieo trồng theo hình thức nước rút đến đâu trồng đến đó; tập trung trồng rải vụ và chủ lực vẫn là ngô, lạc và mới đây là dưa hấu, dưa lê. Về lâu dài, để nông dân yên tâm canh tác, tránh xảy ra tranh chấp, Phòng sẽ tham mưu với UBND huyện có ý kiến với Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà xem xét các phương án để có biện pháp cùng UBND huyện thực hiện giao khoán cụ thể cho người dân.
Bà Đặng Thị Chung, thôn Đồng Tý, xã Phúc An cho biết: "Trước đây, vào thời điểm cuối năm, khi nước hồ rút, gia đình tôi tranh thủ gieo cấy trên diện tích dưới cốt nước hồ. Đến nay, ngoài trồng lúa, tôi còn trồng thêm ngô, lạc, dưa hấu, dưa lê nên thu nhập cũng khá. Tuy nhiên, việc canh tác cũng chỉ là tự phát, bởi diện tích dưới cốt hồ gần ruộng của nhà nên tiện thì làm.
Về lâu dài, nếu để canh tác bền vững, có sự hỗ trợ của Nhà nước về cây, con giống, bao tiêu sản phẩm, gia đình tôi mong các cấp có thẩm quyền thực hiện việc giao khoán đất để yên tâm sản xuất”.
Là địa phương có diện tích dưới cốt hồ tương đối nhiều, dao động hàng năm từ 40 - 70 ha, những năm qua, trong nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, xã Phúc An đều xây dựng chỉ tiêu về diện tích gieo trồng mỗi năm phấn đấu gieo trồng từ 20 - 30 ha rau màu dưới cốt nước hồ.
Ông Trần Tiến Thơm - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Mặc dù diện tích dưới cốt nước hồ không nhiều, song việc tận dụng những diện tích canh tác này cũng mang lại nguồn thu không nhỏ cho nông dân. Tuy nhiên, để nông dân yên tâm sản xuất, tránh xảy ra tranh chấp đất đai giữa các hộ, xã mong muốn các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện có phương án giao khoán những diện tích này cho các hộ để họ yên tâm sản xuất. Khi đó, xã mới có cơ sở giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể cũng như xây dựng kế hoạch sản xuất cho nông dân canh tác nhằm tránh sản xuất tự phát, manh mún…".
Ý kiến của ông Trần Tiến Thơm - Chủ tịch UBND xã Phúc An cũng đồng ý kiến với lãnh đạo nhiều địa phương vùng phía Đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình.
Thanh Tân