Mô hình trình diễn trồng bưởi da xanh được triển khai thực hiện từ năm 2017 bằng cách hỗ trợ 2.000 cây giống cho 46 hộ dân tại xã Phù Nham. Sau 3 năm thực hiện dưới sự hướng dẫn kỹ thuật và theo dõi sát sao của cán bộ Trung tâm, khoảng 1.700 cây đã cho quả bói vào năm 2019, chất lượng quả được đánh giá khá cao.
Ông Lò Văn Ngọc ở thôn Nong chia sẻ: "Gia đình tôi được hỗ trợ 55 cây giống bưởi da xanh. Vì là lần đầu tiên trồng giống cây này nên còn lóng ngóng về kỹ thuật nên thời gian đầu cây bị nghẹn rễ, tưởng như không thể tiếp tục sinh trưởng. Cũng may, có cán bộ Trung tâm đặc biệt quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật để xử lý bệnh đúng quy trình nên giờ đây, cây phát triển tốt. Vụ vừa rồi, gia đình tôi còn thu hơn 100 quả bói. Dự kiến, đến tháng 5 này, gia đình tôi sẽ được thu hoạch lứa đầu tiên và bán ra thị trường”.
Từ thành công bước đầu từ mô hình trình diễn trồng bưởi da xanh, nhiều hộ dân trong xã đã chủ động trồng và nhân rộng diện tích, nâng tổng diện tích trồng bưởi da xanh ở toàn xã lên 30 ha. Còn mô hình trình diễn áp dụng máy cấy vào đồng ruộng được thực hiện từ vụ xuân năm 2019 với diện tích 0,7 ha tại xã Sơn Thịnh và Thượng Bằng La; 0,5 ha trong vụ mùa tại xã Thượng Bằng La.
Mô hình được áp dụng đã giảm rõ rệt công lao động với công suất đạt từ 800 đến 1.000 m2/giờ, nhanh hơn gấp chục lần so với thủ công. Hơn nữa, độ sâu cấy luôn ổn định, cây lúa không bị nghẹn rễ. Tuy nhiên, do sử dụng máy cấy nên các khâu từ gieo mạ, làm đất đòi hỏi cần đảm bảo kỹ thuật khắt khe, khiến người dân e ngại, khó tiếp tục triển khai nhân rộng.
Dù thành hay bại, các mô hình trình diễn đã chứng minh tính ứng dụng vào thực tiễn của các cây, con giống mới, cách làm mới, là cơ sở để nhân rộng các mô hình trong nhân dân.
Bà Hoàng Thị Hải Yến – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Chấn cho biết: Các mô hình được Trung tâm lựa chọn để triển khai trình diễn ngoài yếu tố cây giống, con giống phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương còn dựa trên nhu cầu thị trường và khả năng áp dụng trong thực tế.
"Năm 2019, Trung tâm đã triển khai thực hiện 3 mô hình trình diễn gồm: mô hình trồng chanh leo tại xã Phù Nham và Thượng Bằng La với quy mô 25 ha, tổng sản lượng vụ đầu tiên đạt 90 tấn, được Công ty Nafoods Tây Bắc bao tiêu; mô hình áp dụng máy cấy vào đồng ruộng; mô hình trồng na dai tại xã Đồng Khê với quy mô 3,15 ha, tỷ lệ sống sau 1 tháng đầu tiên đạt 100%” - bà Yên thông tin.
Trong năm, Trung tâm cũng phối hợp với các công ty giống, phân bón để triển khai thực hiện 13 mô hình khảo nghiệm giống lúa của các đơn vị, công ty giống trong nước, các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho chè, cây ăn quả... Bên cạnh đó, các mô hình tự phát do nhân dân các xã thực hiện, các mô hình trình diễn được triển khai từ những năm trước cũng được Trung tâm tập trung theo dõi, chỉ đạo thực hiện chăm sóc, thu hoạch.
Có thể nói, các mô hình trình diễn đã đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân, góp phần tăng năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất. Đây còn là đòn bẩy lan tỏa tinh thần hăng say sản xuất, mạnh dạn đầu tư quy mô lớn, áp dụng kỹ thuật mới, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Hoài Anh