Ngay sau tết Nguyên đán, gia đình ông Nguyễn Kim Sinh, thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh bắt đầu tái đàn gia cầm. Trước thông tin dịch cúm gia cầm A/H5N1 đang bùng phát, việc phòng chống dịch bệnh được ông quan tâm hơn lúc nào hết.
Ông Sinh chia sẻ: "Chăn nuôi đã nhiều năm nay, gia đình tôi luôn nghiêm túc thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, trong những ngày này, tôi cũng chủ động tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi bằng cách bổ sung chất dinh dưỡng trong thức ăn, tiêm phòng đầy đủ vắc – xin, trong đó, có vắc - xin phòng cúm A/H5N1".
Gia đình chị Lò Thị Doan, thôn Quẽ Ngoài, xã Yên Thái ngoài tự cập nhật thông tin qua các phương tiện thông tin truyền thông, chị còn được cán bộ nông nghiệp của xã, trưởng thôn hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh cho gia cầm.
Chị Doan cho biết: "Mới chăn nuôi gia cầm, kinh nghiệm còn thiếu, nên khi nghe có dịch gia đình tôi khá lo lắng. Sau khi được tham gia các buổi tuyên truyền, tập huấn của xã, tôi có thêm nhiều kiến thức trong phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, hàng ngày tôi còn theo dõi ti vi, báo, đài, hệ thống truyền thanh xã để biết diễn biến dịch cúm gia cầm như thế nào và chủ động phòng chống, tránh thiệt hại. Mỗi tuần gia đình tôi phun khử trùng chuồng trại 2 lần, rắc vôi bột, hạn chế người lạ vào khu vực chăn nuôi”.
Để chủ động phòng tránh dịch cúm gia cầm, không để xảy ra hiện tượng dịch chồng dịch trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Covid-19 đang diễn biến phức tạp, UBND huyện Văn Yên ban hành Công điện khẩn số 01 về phòng chống dịch tả lợn châu Phi; cúm A/H5N1 trên gia cầm và người; tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.
Chỉ đạo cơ quan truyền thông, cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền và triển khai các biện pháp phòng chống dịch: phun tiêu độc, khử trùng phòng cúm gia cầm được 1.098.338m2 cho 8.137 lượt hộ và 7 chợ; đồng thời, thực hiện Tháng tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng chống dịch và cấp phát 944 lít hóa chất cho các xã, thị trấn đồng loạt phun; tăng cường kiểm dịch, kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
Đối với các cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm, giết mổ động vật, cơ sở sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật, huyện đã chỉ đạo vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi đợt ấp nở, mỗi ca giết mổ động vật và sau mỗi ca sản xuất. Đối với địa điểm thu gom, chợ buôn bán động vật sống, sản phẩm động vật, huyện cũng chỉ đạo vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực buôn bán động vật, sản phẩm động vật sau mỗi phiên chợ.
Nơi cách ly định kỳ, thực hiện vệ sinh và tiêu độc khử trùng ít nhất 1 lần/tuần trong thời gian nuôi cách ly động vật. Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi lần vận chuyển của các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Ngoài ra, hướng dẫn hộ chăn nuôi gia cầm không cho người ngoài ra, vào thăm khu vực chăn nuôi; sử dụng thức ăn, nước uống sạch sẽ để chăn nuôi gia cầm. Khi nhập đàn phải báo cơ quan chuyên môn thực hiện nuôi cách ly trong 10 ngày mới nhập đàn.
Trên thực tế, dịch cúm A/H5N1 từng xảy ra và đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Dịch có tốc độ lây lan rất nhanh, làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan… Đặc biệt, cúm gia cầm A/H5N1 có thể lây sang người và gây tử vong. Vì vậy, việc áp dụng nghiêm ngặt những biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là vệ sinh tốt chuồng trại, nơi chăn thả gia cầm tập trung; khi tái nhập đàn con giống được mua tại những cơ sở có uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ là những biện pháp đầu tiên mà người chăn nuôi cần áp dụng để phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm.
Anh Dũng