Năm 2012, anh Cù Huy Hoàng, thôn Làng Già, xã Yên Thắng bắt tay vào nuôi gà. Từ 500 con gà ban đầu, qua vài năm, đàn gà của anh Hoàng tăng dần lên 1.000 rồi 2.000 con. Đến nay, sau gần 8 năm gắn bó với đàn gà, trong chuồng của Hoàng lúc nào cũng có 8.000 con gà từ nhỏ đến to, mỗi lứa 2.000 con liên tục kế nhau.
Trung bình hơn 4 tháng anh Hoàng lại được xuất bán một lứa 2.000 con gà thương phẩm, tổng trọng lượng đạt từ 4 đến 4,5 tấn với giá bán dao động từ 60 đến 65.000 đồng/kg, anh Hoàng cho biết sau khi trừ mọi chi phí, anh được lãi từ 40 đến 50 triệu đồng. Một điều khá thuận lợi với Hoàng, đó là đầu ra sản phẩm làm ra đến đâu đầu mối đến nhận tiêu thụ đến đó.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hỗ trợ XDNTM, huyện Lục Yên đã huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về giống, tiến bộ khoa học, kỹ thuật; đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách của tỉnh theo chương trình liên kết sản xuất, cho thuê đất sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện chuyển dần diện tích đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Khuyến khích nhân dân tích tụ ruộng đất, đầu tư phát triển sản xuất theo hướng cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới đồng bộ; có nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Nhiều mô hình nông nghiệp liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa được hình thành và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong đó, có nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho người dân, như: vùng sản xuất lúa với diện tích 600 ha/vụ; vùng sản xuất ngô vụ đông trên đất 2 vụ lúa diện tích 500 ha/vụ/năm; vùng sản xuất cây ăn quả có múi với diện tích trên 700 ha; xây dựng vùng tre lấy măng khoảng 800 ha; phát triển vùng quế diện tích khoảng 4.000 ha; phát triển nuôi cá lồng trên diện tích mặt nước hồ Thác Bà và các hồ đập trên địa bàn xã Mường Lai, Phan Thanh với 75 lồng; duy trì và phát triển các cơ sở chăn nuôi hàng hóa, tập trung...
Việc thực hiện các mô hình sản xuất gắn với việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm trên địa bàn huyện bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, giá trị sản phẩm tăng lên, được người tiêu dùng tin tưởng. Đây là tiền đề cho việc thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn huyện trong những năm tiếp theo.
Có thể khẳng định, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến cơ bản; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, các sản phẩm thế mạnh của địa phương được lựa chọn tập trung phát triển.
Tuy nhiên, là huyện với xuất phát điểm thấp, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nên qua thực tiễn triển khai đề án vẫn còn nhiều hạn chế: quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít; chuỗi liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp còn thiếu bền vững; đời sống nhân dân khu vực nông thôn vẫn ở mức thấp; nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa chưa có sự chuyển biến rõ rệt…
Đây sẽ là những thử thách không nhỏ trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện trong những năm tiếp theo.
Khắc Điệp