Văn Yên bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM trong điều kiện hết sức khó khăn. Địa phương có diện tích lớn nhất, dân số đông lại có đến 27 xã, thị trấn (sau sáp nhập hiện còn 25 xã, thị trấn), địa hình miền núi phức tạp, điểm xuất phát thấp…
Đó là chưa kể đến những tác động của thiên tai, bão lũ, dịch bệnh làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cùng với quyết tâm chính trị cao nhất, sự nỗ lực, đồng thuận của người dân, qua 10 năm thực hiện, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Văn Yên đã có bước chuyển biến rõ nét, kinh tế có bước phát triển khá, an sinh xã hội cải thiện đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Xác định XDNTM là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn nông thôn, góp phần vào thành tựu chung của huyện, những năm qua, Văn Yên luôn đề cao, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các cấp, các ngành. Ngay từ khi triển khai thực hiện, huyện đã ban hành Chương trình hành động, Đảng bộ xã ban hành Nghị quyết chuyên đề về XDNTM, bộ máy chỉ đạo, điều hành từ huyện đến xã, thôn, bản được thành lập.
Đối với cấp huyện, thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) XDNTM do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; thành lập Văn phòng Điều phối NTM cấp huyện để giúp việc cho Ban Chỉ đạo; cấp xã thành lập BCĐ XDNTM do đồng chí bí thư đảng ủy xã làm trưởng ban; thành lập ban quản lý NTM cấp xã do đồng chí chủ tịch UBND xã làm trưởng ban; các thôn thành lập ban phát triển thôn do trưởng thôn làm trưởng ban. BCĐ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM ở mỗi cấp đều xây dựng các quy chế hoạt động và có sự phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.
Bên cạnh tổ chức phát động thi đua "Văn Yên chung sức XDNTM”, huyện luôn quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, lãnh đạo, đảng viên và nhân dân. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện XDNTM được triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân.
Là huyện miền núi có xuất phát điểm thấp, Văn Yên xác định "đột phá” từ giao thông chính là "chìa khóa” để nâng cao đời sống người nông dân và XDNTM trên địa bàn. Huyện đã chú trọng đầu tư xây dựng, củng cố hệ thống đường giao thông nông thôn.
10 năm qua, từ một huyện có nguồn thu ngân sách còn thấp, nguồn lực trong dân hạn chế, huyện đã kêu gọi các nguồn lực đầu tư XDNTM với tổng nguồn vốn gần 1.492 tỷ đồng, trong đó: ngân sách Nhà nước gần 698 tỷ đồng, huy động từ nhân dân trên 724 tỷ đồng; các nguồn hợp pháp khác gần 70 tỷ đồng.
Phong trào hiến đất xây dựng các hạng mục NTM tại nhiều xã trên địa bàn huyện đã được đông đảo nhân dân đồng tình, hưởng ứng và tự giác thực hiện, tổng diện tích đất các hộ dân đã hiến để XDNTM là 147.144 m2.
Sự đột phá trong xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đã mang lại cho Văn Yên diện mạo mới, sức sống mới. Từ năm 2011 đến nay, hệ thống đường giao thông trên địa bàn toàn huyện đã được bê tông hóa là 414 km, đạt tỷ lệ gần 38% tổng số ki-lô-mét đường giao thông nông thôn toàn huyện (tăng 20,3% so với năm 2011); tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 90,6% (tăng 11,6% so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2019 giảm xuống còn 10,63%.
Các hình thức tổ chức sản xuất ngày càng đa dạng và phát huy hiệu quả, toàn huyện hiện có 183 doanh nghiệp, 66 hợp tác xã (HTX), 321 tổ hợp tác và 3.244 hộ kinh doanh cá thể; giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các tuyến không ngừng nâng cao về chất lượng, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm xã hội đạt 98,1%; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2020 ước đạt 38,5 triệu đồng/người/năm (tăng 24 triệu đồng/người/năm so với năm 2011).
Thực tiễn cho thấy, từ chỗ thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đến nay, đa số nông dân trên địa bàn huyện Văn Yên đã nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong XDNTM. Thể hiện qua việc chủ động thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần to lớn thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Huyện đã hình thành các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung theo quy hoạch; có nhiều mô hình gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ mang lại hiệu quả kinh tế cao; phát triển được các sản phẩm đặc sản hữu cơ và bước đầu xây dựng, triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP.
Nhiều phong trào, nhiều mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội xuất hiện như: phong trào "Thắp sáng đường quê”, các mô hình khởi nghiệp của HTX Huỳnh Phát, HTX Q&C; HTX Trung Thành; các mô hình nuôi cá tại thị trấn Mậu A và các xã: Xuân Ái, Yên Phú; cơ sở chăn nuôi trâu, bò, lợn quy mô tương đối lớn tại các xã: Yên Thái, Đông An; Mậu Đông...; phong trào làm đường giao thông nông thôn...
Đến nay, huyện có 9/24 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 37,5%. Dự kiến, hết năm 2020, huyện phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Mậu Đông, An Bình và Quang Minh, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện lên 12 xã, chiếm 50% tổng số xã toàn huyện, gấp 3 lần mục tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Số tiêu chí NTM bình quân đạt được/xã của huyện là 15,5 tiêu chí/xã, cao hơn so với mức bình quân chung của toàn tỉnh (mức bình quân chung của tỉnh là 12,06 tiêu chí/xã).
Nhưng, điều đặc biệt hơn có lẽ không phải là sự đong đếm bằng những tiêu chí rạch ròi mà chính là sự hài lòng của người dân khi hỏi về hiệu quả của việc XDNTM ở mỗi làng, mỗi xã. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nhân lên thấy rõ. Đây mới chính là thành tựu và mục tiêu lớn nhất của quá trình XDNTM mà huyện Văn Yên đang làm được.
Ông Vũ Quang Hải - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đóng vai trò quyết định đến sự thành công trong XDNTM, nhất là vai trò của cấp ủy Đảng cơ sở. Thực tế thời gian qua cho thấy, ở đâu có sự quan tâm lãnh đạo, kiểm tra thường xuyên thì ở đó công tác XDNTM đạt kết quả cao. Trong lãnh đạo cần phát huy tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, xác định lộ trình, bước đi hợp lý".
"Một bài học kinh nghiệm quan trọng nữa đó là trong quá trình chỉ đạo thực hiện, công tác kiểm tra, đôn đốc và đánh giá, rút kinh nghiệm phải được duy trì thường xuyên để kịp thời phát hiện ra những cách làm mới hiệu quả và những bất cập cần điều chỉnh. XDNTM phải dựa vào nội lực của cộng đồng là chính, do vậy các xã phải chủ động huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp trên địa bàn cùng XDNTM. Bên cạnh đó, phải quản lý và sử dụng các nguồn vốn chặt chẽ, công khai, dân chủ. Mọi hoạt động trong XDNTM phải dựa trên cơ sở nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phát huy tinh thần dân chủ của nhân dân, phát huy cao nhất cộng đồng trách nhiệm tham gia XDNTM, thực hiện triệt để nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Ông Hải nói.
Phát huy kết quả đạt được, huyện Văn Yên phấn đấu đến năm 2025 có 24/24 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, trước mắt phấn đấu xã Đại Phác đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2020, từ đó học tập, rút kinh nghiệm nhân ra các xã khác trên địa bàn huyện; phấn đấu đến năm 2025 huyện Văn Yên đạt chuẩn huyện NTM. Tổng kinh phí để xây dựng xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2020-2025 là 801,658 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước: 659,93 tỷ đồng; huy động từ cộng đồng 142,728 tỷ đồng.
Dù vẫn có những điều chưa trọn vẹn và chưa được như kỳ vọng, nhưng nhìn vào những kết quả đạt được trong tiến trình XDNTM của huyện Văn Yên 10 năm qua có thể khẳng định đó là minh chứng sinh động, chân thực nhất của "ý Đảng, lòng dân”. Đây chính là động lực để cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân trên địa bàn huyện tiếp tục phát huy, đồng sức đồng lòng vượt qua khó khăn thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM.
Hồng Vân