Nhờ phát huy trí tuệ tập thể, quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, sáng tạo, linh hoạt trong thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào điều kiện của địa phương, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, sức mạnh hệ thống chính trị đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội để đạt được những kết quả cao trong thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Nông, lâm nghiệp - trụ cột phát triển kinh tế địa phương
Là tỉnh miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn, những năm qua Tỉnh ủy luôn xác định rõ vai trò, vị trí quan trọng của phát triển nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Do đó, tỉnh luôn quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực và từng bước phát triển sản xuất hàng hóa nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở vùng cao; phát triển, mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với XDNTM ở vùng thấp.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2019 toàn tỉnh đạt 4,44%/năm. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp và thủy sản; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 75,56% năm 2015 xuống 69,15% năm 2019, năm 2020 ước đạt 67,19%; lâm nghiệp tăng từ 20,73% năm 2015 lên 26,76% năm 2019, năm 2020 ước đạt 28,59%; ngành thủy sản tăng từ 3,71% năm 2015 lên 4,09% năm 2019%, năm 2020 ước đạt 4,23%.
Việc thực hiện Đề án cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng gắn với XDNTM bền vững đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân về tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có sự chuyển biến rõ nét. Từ đó, thúc đẩy giải phóng và sử dụng có hiệu quả sức lao động, tư liệu sản xuất của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, góp phần phát triển cân đối, hài hòa, giảm dần khoảng cách giữa các vùng.
Tỉnh đã xây dựng được hệ thống quy hoạch ngành, sản phẩm, quy hoạch NTM gắn với ban hành bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và XDNTM gồm 35 đề án, chính sách. Trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển 8 nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực: chè shan vùng cao, ngô hàng hóa, quế, tre măng Bát độ, cây ăn quả có múi, cây sơn tra, nuôi thủy sản, phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Khai thác tối đa lợi thế vùng, miền
Giai đoạn 2016 - 2019, ngoài ngân sách trung ương, tỉnh đã bố trí 206,1 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Theo đó, tại 2 huyện vùng cao đặc biệt khó khăn là Trạm Tấu và Mù Cang Chải sẽ tiếp tục mở rộng khai hoang ruộng bậc thang, thực hiện việc san sẻ đất sản xuất cho các hộ thiếu đất, tạo điều kiện cho người dân có đất sản xuất ổn định lâu dài; thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chính sách của trung ương, của tỉnh để hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Các huyện vùng thấp đẩy mạnh phát triển, mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đi đôi với xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Khai thác tối đa lợi thế từng địa phương, từng vùng để cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với XDNTM.
Nhờ vậy, tỉnh đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao như: vùng lúa hàng hóa chất lượng cao 3.000 ha, duy trì vùng ngô tập trung 15.000 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm tập trung gần 500 ha, vùng cây ăn quả 8.700 ha, trong đó, cây ăn quả có múi 3.576 ha, tăng gần 2.000 ha so với năm 2015; diện tích chè 8.097 ha, trong đó, chè shan vùng cao trên 1.700ha và chè giống tiến bộ kỹ thuật là 3.500 ha; măng tre Bát độ trên 4.200 ha; quế trên 70.000 ha; sơn tra 6.100 ha; vùng gỗ nguyên liệu 180.000 ha...
Đồng thời, xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu gắn với chế biến và tiêu thụ như: quế Văn Yên, bưởi Đại Minh, cam Văn Chấn, cam Lục Yên, chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ, gạo Mường Lò, cá Thác Bà…
Có thể khẳng định, hầu hết các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh được triển khai thực hiện tốt và được người dân đón nhận đã góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững ở những địa bàn khó khăn và đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa ở những khu vực, địa bàn có điều kiện thuận lợi.
Cụ thể, đã hỗ trợ thụ tinh nhân tạo được 5.800/15.000 con trâu, bò, đạt 47,5% mục tiêu đề án; phát triển 327/400 cơ sở chăn nuôi trâu, bò tập trung quy mô từ 10 con, đạt 81,8% mục tiêu; 108/100 cơ sở chăn nuôi lợn nái sinh sản có quy mô từ 15 con/cơ sở, vượt 8% mục tiêu; 81/120 cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung quy mô từ 1.000 con trở lên; phát triển thêm 674/650 lồng cá, vượt 3,7% mục tiêu; trồng mới được 2.183/2.800 ha cây ăn quả có múi, đạt 77,9% mục tiêu; 257/950 ha chè shan, đạt 27,1% mục tiêu; trên 15.507/19.500 ha quế, đạt 79,5% mục tiêu; 1.657/7.600 ha tre măng Bát độ, đạt 22% mục tiêu; 2.366/6.200 ha cây sơn tra, đạt 38,2% mục tiêu đề án.
Đặc biệt, bước đầu thu hút được các thành phần kinh tế tham gia phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó, một số doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã đã đầu tư nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản… đạt hiệu quả cao như: Tập đoàn NipponZuki Nhật Bản đầu tư Dự án chăn nuôi thỏ công nghệ cao; Công ty Vạn Đạt thu mua, chế biến măng tre Bát độ; Công ty Tằm tơ Yên Bái; Dự án đầu tư trồng, phát triển và chế biến cây dược liệu màng tang của Công ty cổ phần đầu tư An Sơn; các dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt siêu nạc chất lượng cao an toàn sinh học...
Nền tảng vững chắc của nhiệm kỳ mới
Thực hiện tốt việc cơ cấu lại nông nghiệp gắn với XDNTM nên chương trình XDNTM được triển khai sâu rộng trên phạm vi toàn tỉnh, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh chính là nền móng vững chắc để phát triển các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ mới 2020 - 2025.
Huy động, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn (bao gồm các nguồn lực của trung ương, của tỉnh, đóng góp của toàn xã hội, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân), góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, XDNTM.
Được biết, giai đoạn 2016 - 2019, tổng nguồn vốn đầu tư cho XDNTM đạt gần 24.606 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 1.075 tỷ đồng, địa phương 129 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 708 tỷ đồng, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn là 6.682 tỷ đồng, nguồn vốn tín dụng là 15.634 tỷ đồng và nguồn vốn của các doanh nghiệp là 379 tỷ đồng.
Hết năm 2019, toàn tỉnh có 23 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã NTM của tỉnh lên 69 xã, vượt 2,7 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh đề ra. Đặc biệt, đầu năm 2020, huyện Trấn Yên được công nhận huyện NTM và trở thành huyện NTM đầu tiên vùng Tây Bắc.
Theo đó, huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có liên kết theo chuỗi giá trị như vùng tre măng Bát độ gần 3.500 ha, cho sản lượng trên 50.000 tấn/năm; vùng dâu tằm 700ha cho sản lượng kén tằm 650 tấn; vùng quế trên 16.000 ha; vùng cây ăn quả có múi với 750 ha; vùng chăn nuôi hàng hóa gần 600 cơ sở; trong đó, nhiều cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô từ 10.000 - 40.000 con/lứa... nâng mức thu nhập bình quân đầu người năm 2019 của nông thôn Trấn Yên lên trên 35 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%, không còn hộ ở nhà tạm, nhà dột nát.
Hiện, tỉnh tiếp tục hoàn thành mục tiêu xây dựng các xã NTM tiêu biểu với nhiều phương pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả với sự ủng hộ, tham gia tích cực của các chủ thể XDNTM ở các huyện, thị.
Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2019 tăng 19,2% so với bình quân giai đoạn 2010 - 2015; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 85% năm 2015 lên trên 89% năm 2019, dự kiến đạt trên 90% vào năm 2020.
Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng gia tăng lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Sản xuất tại một số vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa có thu nhập bình quân khoảng 150 triệu đồng/ha/năm; một số mô hình thâm canh cho thu nhập bình quân đạt gần 500 triệu đồng/ha/năm; thu nhập từ nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm; trong đó, có nhiều diện tích nuôi cá lồng thâm canh trên hồ Thác Bà cho thu nhập gần 600 triệu đồng/ha/năm.
Đây chính là nền tảng quan trọng để tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 với những giải pháp đồng bộ, tích cực, hiệu quả.
Thanh Hương