Với sự giúp đỡ của Hội phụ nữ các cấp và sự động viên của gia đình, chị đã mở cơ sở sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ, trà quế từ 100% vỏ quế, sản phẩm có mùi thơm đặc trưng của tinh dầu quế. Sản phẩm sau khi được giới thiệu tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lào Cai, Lễ hội vinh danh nhãn lồng Hưng Yên và Lễ hội Quế Văn Yên đã thu hút nhiều khách hàng mua sử dụng và làm quà tặng.
Chị Hạnh cho biết: "Các sản phẩm được đánh giá cao nhờ đường nét hoa văn trang trí tinh tế, mang tính nghệ thuật cao. Theo tính toán, năm đầu tiên, cơ sở sản xuất của gia đình sẽ cho doanh thu khoảng 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí sẽ cho lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng, tạo việc thường xuyên cho 5 - 10 lao động”.
Chia tay chị Hạnh, chúng tôi đến thăm mô hình khởi nghiệp phát triển chăn nuôi gà của gia đình chị Hoàng Thị Luyến ở thôn Đại An, xã An Thịnh, huyện Văn Yên. Trong ngôi nhà cấp 4 khang trang, chị Luyến đã chia sẻ về khó khăn của gia đình. Từng thất bại khi đầu tư chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả, chị luôn trăn trở phải làm sao để giúp gia đình phát triển kinh tế.
Năm 2016, Hội phụ nữ đã giúp chị và nhiều chị em trong thôn, trong xã đi học tập mô hình nuôi gà quy mô lớn tại tỉnh Bắc Ninh và các địa phương trong tỉnh. Sau khi nghiên cứu, chị bàn với chồng quyết định vay vốn, đầu tư xây dựng chuồng trại để phát triển mô hình nuôi gà với quy mô 5.000 con/lứa. Sau một thời gian, chị thấy mô hình phát triển tốt, cho thu nhập cao nên duy trì suốt những năm qua.
Theo chị Luyến, phụ nữ ở nông thôn khởi nghiệp tuy khó khăn hơn các chị em ở thành thị do gặp khó khăn về vốn và kiến thức khoa học kỹ thuật song lại được sự ủng hộ và chia sẻ hết lòng của chồng con. Đây chính là động lực để các chị bước tiếp trên con đường khởi nghiệp đầy khó khăn.
Hiện chị Luyến cũng là một trong những thành viên tích cực trong Tổ hợp tác chăn nuôi của thôn Đại An. Năm 2020, các thành viên trong tổ đã có kế hoạch mở rộng quy mô nuôi gà lên 20.000 con/lứa.
Ở Văn Yên, không chỉ có chị Hạnh, chị Luyến, những phụ nữ nông thôn chân chất khởi nghiệp mà tôi gặp như: chị Cầm Thị Thủy, chị Cầm Thị Hằng ở xã Ngòi A; chị Vũ Thị Huế ở xã An Thịnh hay chị Nguyễn Thị Hoa ở thị trấn Mậu A… đều thể hiện khát vọng làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Để giúp chị em phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo, năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp các phòng, ban chức năng mở 12 lớp đào tạo nghề, thu hút gần 400 chị em tham gia. Thực hiện Chương trình hành động 144 của Tỉnh ủy, Hội đã thành lập và ra mắt 85 tổ hợp tác với tổng số 448 thành viên; giúp đỡ 75 gia đình hội viên thoát nghèo.
Chị Phạm Thị Minh Hằng - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cho biết: "Hội đã làm tốt công tác phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng chính sách xã hội huyện để tư vấn, hỗ trợ và giúp đỡ chị em vay vốn. Với nhiều chị em vẫn còn e dè trong khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh, chúng tôi tiếp tục động viên, tư vấn tham gia các tổ hợp tác để các chị tự tin hơn, tích cực liên kết xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả”.
Mạnh Cường