Để nâng cao năng suất, chất lượng rừng, một trong những giải pháp ngành lâm nghiệp thực hiện là quản lý chặt chẽ giống cây lâm nghiệp. Đến nay, đã hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia; tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp mới được công nhận đưa vào sản xuất tăng trên 40%.
Hàng năm, cơ sở giống cung cấp trên 90 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng. Chất lượng giống từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến, xuất khẩu.
Mỗi năm, lượng rừng khai thác và trồng lại 15.000 ha, trữ lượng rừng gỗ lớn đạt 120 - 150 m3/ha, gỗ nhỏ đạt 70 - 80m3/ha. Bên cạnh nâng cao năng suất rừng, các địa phương cũng đã bước đầu phát triển theo hướng kinh doanh gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 ha keo tai tượng được cấp chứng chỉ rừng FSC. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đang phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, Công ty cổ phần Công nghiệp Hòa Phát, Hợp tác xã Lâm nghiệp An Việt Phát khảo sát cấp Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững cho 10.000 ha rừng tại huyện Yên Bình và Trấn Yên, trong đó, các doanh nghiệp có trách nhiệm thu mua toàn bộ sản phẩm gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC với giá cao hơn thị trường từ 10 - 15%. Các địa phương cũng đang triển khai các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi cho các sản phẩm quế, măng tre Bát độ, sơn tra...
Những giải pháp nâng cao năng suất chất lượng rừng đã góp phần nâng cao giá trị của ngành lâm nghiệp. Nhờ đó, Yên Bái đã hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu giấy, gỗ cho công nghiệp chế biến lớn và xuất khẩu của tỉnh như: gỗ ván bóc, vỏ và tinh dầu quế, măng tre Bát độ, quả sơn tra, trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu của vùng và cả nước về trồng rừng sản xuất.
Đến nay, trung bình mỗi năm trồng mới trên 15.000 ha rừng, khai thác trên nửa triệu mét khối gỗ rừng trồng phục vụ xuất khẩu, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt trên 1.800 tỷ đồng.
Thời gian tới, ngành lâm nghiệp tỉnh tập trung bảo vệ tốt diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng tự nhiên hiện có gắn với phát triển và làm giàu rừng; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp; khai thác tối đa các lợi thế để phát triển rừng sản xuất; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng gấp 2 lần so với năm 2020; duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 63%. Trong đó, chú trọng phát triển tốt khâu giống và trồng rừng gỗ lớn, để phát triển canh tác rừng bền vững, xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển cây gỗ lớn tỉnh Yên Bái cho giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời tập trung phát triển rừng có chứng chỉ FSC nhằm tham gia thị trường lâm sản thế giới một cách bình đẳng và thực hiện tốt các cam kết đa phương với các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học; khuyến khích đầu tư chiều sâu cho các cơ sở chế biến hiện có, xây dựng mới hoặc nâng cấp một số cơ sở hiện có thành nhà máy chế biến lâm sản công suất lớn; đưa ứng dụng công nghệ mới vào chế biến lâm sản để nâng cao hiệu quả kinh tế và tiết kiệm nguyên liệu.
Văn Thông