Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Trấn Yên đã có bước đột phá rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa và sản phẩm chủ lực có giá trị cao và bền vững.
Đánh giá về sự đổi thay trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Thành công nhất là đã làm thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, phân tán, tự cung tự cấp sang sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung. Trấn Yên đã hình thành và phát triển được các loại sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương với khối lượng lớn. Bên cạnh đó, đã có sự chuyển đổi căn bản về quy mô, chất lượng và sản xuất theo chuỗi nâng cao giá trị”.
Để có được những kết quả bước đầu đó, Trấn Yên đã nhất quán chủ trương, chính sách về phát triển toàn diện ngành nông nghiệp gắn với XDNTM. Đặc biệt, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển dịch phát triển sản phẩm nông nghiệp đảm bảo về chất lượng, theo nhu cầu thị trường.
Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp đã có bước đột phá rõ nét và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa và sản phẩm chủ lực có giá trị như: vùng tre măng Bát độ gần 3.400 ha, vùng quế trên 15.000 ha, chè chất lượng cao 200 ha, vùng trồng dâu trên 700 ha, vùng trồng cây ăn quả có múi trên 700 ha và trên 592 cơ sở chăn nuôi hàng hóa.
Nói đến Trấn Yên là nói đến sản phẩm măng tre Bát độ, kén tằm, quế, chè Bát tiên... đây được coi là những sản phẩm chủ lực của huyện, đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hết năm 2019, 100% số xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM, đầu năm mới 2020 huyện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên trong các tỉnh khu vực Tây Bắc.
Năm 2020, mục tiêu trọng tâm của Trấn Yên trong phát triển sản xuất nông nghiệp là theo hướng hàng hóa bền vững có liên kết theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường... Huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất. Đặc biệt là ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả các sản phẩm chủ lực của huyện.
Đối với trồng dâu nuôi tằm đã và đang phát huy kết quả tốt, huyện tiếp tục hỗ trợ trồng mới ít nhất 200 ha dâu; hỗ trợ xây dựng 3 nhà nuôi tằm con tập trung, xây dựng mới 50 nhà nuôi tằm lớn; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp 200 nhà nuôi tằm lớn, 350 bộ né gỗ ô vuông.
Huyện phấn đấu trồng mới 200 ha tre măng Bát độ; xây dựng vùng quế an toàn theo hướng hữu cơ đạt 7.000 ha, trong đó có 2.000 ha đạt tiêu chuẩn quốc tế...; xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận cho 3 sản phẩm chủ lực của huyện là sản phẩm chè xanh Bát tiên Trấn Yên; bưởi Diễn Trấn Yên; quế vỏ khô Trấn Yên và hỗ trợ chứng nhận chất lượng sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế đối với 5 sản phẩm.
Cùng đó, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu nhằm tạo dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện; tiêu chuẩn hóa 7 sản phẩm đạt hạng 3 sao; liên kết xây dựng vùng gỗ nguyên liệu và cấp chứng chỉ rừng (FSC-FM) giữa các nhóm hộ trồng rừng tại các xã trên địa bàn huyện với diện tích 4.000 ha rừng trồng.
Trong chăn nuôi, duy trì 602 cơ sở chăn nuôi theo quy mô tập trung, phát triển theo hướng liên kết bền vững; tiếp tục triển khai Đề án phát triển chăn nuôi, hỗ trợ phát triển mới trong năm 2020 đưa tổng đàn gia súc chính đạt 51.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 9.000 tấn.
Mặc dù vẫn còn những khó khăn nhất định cần được tháo gỡ, nhưng với sự định hướng rõ ràng, chỉ đạo quyết tâm và sự đồng lòng chung sức của nhân dân các dân tộc trong huyện, chắc chắn Trấn Yên sẽ ngày một phát triển mạnh mẽ.
Thanh Phúc