Đồng chí Hoàng Hữu Độ - Bí thư Huyện ủy Lục Yên cho biết: xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết chuyên đề về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để tổ chức thực hiện tốt các dự án, chương trình hỗ trợ sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh tập trung thực hiện quy hoạch, xây dựng cánh đồng mẫu lớn nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật (KHKT) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác.
Phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, ứng dụng KHKT và công nghệ gắn với thị trường tiêu thụ; thực hiện có hiệu quả chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; trong đó, chú trọng nuôi thủy sản theo phương pháp tiên tiến gắn với bảo vệ môi trường trên hồ Thác Bà.
Sau 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay, huyện có diện tích quế trên 3.374 ha, tập trung trồng tại các xã dọc quốc lộ 70; diện tích tre măng các loại trên 793 ha tập trung tại các xã: Lâm Thượng, Khánh Thiện, Tân Phượng…; diện tích trồng lúa nước hàng năm duy trì trên 6.900 ha cả 2 vụ; trong đó, diện tích lúa hàng hóa trên 500 ha; cây ăn quả có múi trên 500 ha; có 273 cơ sở chăn nuôi tập trung; trong đó, 41 cơ sở chăn nuôi trâu, 128 cơ sở chăn nuôi lợn, 82 cơ sở chăn nuôi gia cầm. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp (giá so sánh năm 2010) năm 2016 đạt 741,4 tỷ đồng, tăng lên trên 900 tỷ đồng năm 2019, ước thực hiện năm 2020 đạt 960 tỷ đồng.
Cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp đã chuyển dịch tích cực, theo hướng giảm dần tỷ trọng giá trị sản phẩm trồng trọt, tăng dần tỷ trọng giá trị sản phẩm chăn nuôi.
Các vùng sản xuất tập trung dần được hình thành; việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, xu hướng phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đã được người dân quan tâm.
Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên chia sẻ: các chương trình, chính sách hỗ trợ được triển khai, đã góp phần tích cực vào phát triển sản xuất nông lâm nghiệp. Để sản xuất nông lâm nghiệp phát triển, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện xây dựng, mở rộng vùng sản xuất lúa hàng hóa với diện tích từ 700 ha trở lên, tăng 200 ha so với giai đoạn trước, chủ yếu tập trung trồng các giống lúa có chất lượng tốt, ổn định và cho năng suất cao.
Vùng sản xuất tre măng mai với diện tích từ 600 ha trở lên, tăng 100 ha so với giai đoạn trước; vùng trồng cây ăn quả có múi tổng diện tích trên 800 ha, tăng 300 ha so với giai đoạn trước; vùng trồng quế trên 4.500 ha, tăng 1.200 ha so với giai đoạn trước; tiếp tục thực hiện chuyển đổi phương thức chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp thay thế phương thức chăn nuôi truyền thống nhỏ lẻ; lựa chọn những giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao đưa vào chăn nuôi phù hợp với từng địa phương; khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản...
Quang Thiều