Là đơn vị sản xuất, kinh doanh chế biến xuất khẩu chè xanh sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc và một số nước châu Âu, với doanh thu đạt 20 tỷ đồng mỗi năm, song trước tình hình dịch bệnh Covid-19, việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu và thông quan hàng hóa đã khiến Hợp tác xã Kiến Thuận gặp khó khăn.
Ông Đỗ Văn Lừng - Giám đốc Hợp tác xã cho biết: "Một số đơn hàng ký với Đài Loan đầu năm 2020 không thể xuất khẩu được. Chè lại chuẩn bị vào vụ và nếu cứ tình hình này thì chúng tôi phải cắt giảm lao động, giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, để duy trì sản xuất, chúng tôi đang đẩy mạnh sản xuất chè đen để xuất khẩu sang thị trường châu Âu và kiến nghị với huyện hỗ trợ về thuế, vốn vay…”.
Theo UBND huyện Văn Chấn, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cụ thể, đối với các đơn vị sản xuất, chế biến chè như: Công ty TNHH chè Thanh Tâm, Công ty TNHH Chè Bình Thuận, Hợp tác xã Kiến Thuận phải sản xuất cầm chừng và tìm các biện pháp để thúc đẩy sản xuất.
Đối với các đơn vị sản xuất, chế biến gỗ ván bóc, giảm 50% công suất so với hàng năm; chế biến quặng của Công ty TNHH MTV mỏ sắt Làng Mỵ hiện đang dừng sản xuất với lý do phía đối tác Trung Quốc không nhập hàng; do đó, giá quặng sắt bị giảm, sản xuất không đủ chi phí, ước tính sản lượng năm 2020 giảm 50%.
Đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, theo khảo sát tại xã Tú Lệ, Suối Giàng, trung tâm thị trấn Sơn Thịnh và một số chợ trên địa bàn huyện, hiện tại, lượng khách và sức mua của người dân giảm khoảng 40%, doanh thu cũng giảm khoảng 50%. Giá trị sản xuất công nghiệp quý I năm 2020 giảm so với cùng kỳ năm 2019 ước khoảng 10%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I giảm so với cùng kỳ năm 2019 ước khoảng 5%.
Ông Mai Mộng Tuân - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: ngoài các giải pháp để quyết liệt chống dịch, huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ, như hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay và các giải pháp, chính sách như gia hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế.
Ngoài các giải pháp cấp bách này, qua đợt dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu, đặc biệt là về cơ cấu kinh tế và khả năng chống chịu trước tác động lớn từ bên ngoài. Do vậy, huyện sẽ phải đẩy nhanh các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài.
Cùng với sự vận động của doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, huyện Văn Chấn đã và đang triển khai tổng thể các giải pháp duy trì nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch và tăng tốc sau dịch Covid-19.
Đó là, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng; quyết liệt thu các nguồn thu; đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phát triển doanh nghiệp; chú trọng đầu tư cho giáo dục, y tế, cải cách hành chính, đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyên môn hóa lĩnh vực du lịch...
Mục tiêu của Văn Chấn là tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, ngoài ngân sách; qua đó, tăng tổng đầu tư toàn xã hội; tăng thu ngân sách; tăng thu hút đầu tư; tăng sức mạnh cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất.
Thanh Tân