Giữ mạch nguồn sự sống

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/3/2020 | 11:20:26 AM

YênBái - Tới bản Tà Chử, xã Phình Hồ, dễ dàng thấy một màu xanh thẳm. Những cây cổ thụ tán rộng hàng chục mét đan xen vào nhau phủ kín cánh rừng.

Cán bộ kiểm lâm huyện Trạm Tấu tuyên truyền kiến thức bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho người dân.
Cán bộ kiểm lâm huyện Trạm Tấu tuyên truyền kiến thức bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho người dân.

Theo chân anh Giàng A Lồng - Tổ Quản lý bảo vệ rừng (BVR) ở bản Tà Chử vào khu rừng phòng hộ, chỉ chừng vài trăm mét, chúng tôi thấy ánh sáng mờ ảo xuyên qua nhiều tầng thực vật, không khí trở nên dịu mát hòa cùng những âm thanh của muông thú. 

Di chuyển qua những hàng cây đường kính bằng cả vòng tay người ôm đều đã được đánh dấu, anh Lồng bảo: "Người Mông mình từ ngày xưa đã quen sống gần rừng, sống dựa vào rừng và nếu không có rừng thì người Mông không sống được. Nhờ có rừng mà những hộ dân ở Tà Chử mới có cuộc sống yên bình, ấm no như ngày hôm nay - vì giữ rừng là có nước trồng lúa, trồng ngô, tránh được lũ ống, lũ quét... Trước đây, do thiếu hiểu biết nên nhiều người phá rừng, giết hại muông thú. Nay thì khác rồi, cây rừng được đánh dấu, đánh số để dễ quản lý hơn". 

Trước đây chừng 20 năm, Phình Hồ cũng là điểm nóng về chặt phá, buôn bán lâm sản trái phép, nhiều diện tích rừng bị chặt phá. Tình trạng này thường diễn ra vào dịp cuối năm. Để giảm thiểu tình trạng trên, thông qua các dự án phục hồi và quản lý rừng, lực lượng kiểm lâm huyện phối hợp với chính quyền xã thành lập các tổ đội quản lý BVR trong nhân dân. 

Theo năm tháng, những bước chân không mỏi của đội quản lý, BVR thôn Tà Chử cũng như những thôn khác đã góp phần làm cho rừng càng thêm xanh. Thêm vào đó, khi cán bộ của Tiểu khu 3 của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu trực tiếp lập chốt tại Phình Hồ đã tăng cường hướng dẫn nhân dân tuần tra, canh gác, sẵn sàng báo tin và ứng cứu rừng. 

Anh Nguyễn Văn Đồng - cán bộ Tiểu khu 3, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu ở Phình Hồ gần 10 năm nay cho biết: "Tổ Quản lý rừng phòng hộ tại xã Phình Hồ hiện có 41 thành viên. Họ thực hiện tuần tra, kiểm soát theo nhóm từ 5 - 6 người, làm nhiệm vụ từ 2 - 3 lần một tháng. Nhiệm vụ chính là kiểm soát tình trạng chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy gây cháy rừng và săn bắt muông thú... Mỗi khi phát hiện sự việc, các đội nhóm sẽ báo ngay cho chính quyền, kiểm lâm và Ban Quản lý để kịp thời xử lý. 

Thêm vào đó, cán bộ Ban Quản lý cũng tăng cường tập huấn, trao đổi kiến thức pháp luật, hướng dẫn người dân trồng mới và chăm sóc rừng trồng, từ đó giúp họ hiểu được nguồn lợi từ rừng. Nhờ vậy, Phình Hồ nhiều năm không xảy ra cháy rừng, diện tích rừng ngày càng mở rộng". 

Cũng tham gia chuyến tuần rừng với Tổ quản lý BVR ở bản Tà Chử, Phó Chủ tịch UBND xã Phình Hồ Giàng A Du cho biết: "Lợi ích lâu dài từ rừng thì ai cũng thấy rõ nhưng người Mông ở Phình Hồ vẫn còn sống nhờ vào rừng, trong đó, vẫn còn có những hộ dân vào rừng lấy củi, lấy gỗ làm nhà, đốt nương làm rẫy... Bởi thế, việc giữ rừng không hề đơn giản”. 

Từ khi triển khai các dự án phục hồi và quản lý rừng bền vững, Tổ Quản lý và BVR phòng hộ ở xã Phình Hồ được thành lập. Các thành viên trong đội thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc quản lý, BVR. 

"Trong các cuộc họp của xã, thôn, bản, chúng tôi luôn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy ước BVR. Nâng cao nhận thức về rừng cho người dân để họ coi việc giữ rừng là gìn giữ con người, có rừng thì không bị bão lũ, có nguồn nước ngọt lành để sản xuất, cuộc sống bình yên và an lành. Vì lợi ích chung nên mọi người chỉ thu hái những phụ phẩm từ rừng" - Phó Chủ tịch UBND xã Phình Hồ Giàng A Du cho biết thêm. 



Người dân thôn Tà Chử, xã Phình Hồ tích cực tham gia tuần rừng. 

Tổ trưởng Tổ Quản lý, BVR thôn Tà Chử Giàng A Lồng cũng bộc bạch thêm: "Đáng ngại nhất là mùa khô kéo dài từ tháng 10 năm trước tới tận tháng 4 năm sau. Đây là mùa dân làng vào rừng đốt tổ ong lấy mật cũng là mùa lá rụng, cộng thêm những đợt gió Lào khô hanh thổi sang, chỉ cần một mồi lửa là xảy ra cháy rừng. Trước tình hình đó, đòi hỏi việc tuần rừng phải thật kỹ càng nên chúng tôi thường xuyên phải ăn ngủ từ 2 đến 3 ngày trong rừng trong mỗi lần đi tuần. Vất vả hơn là những lần rừng bị cháy, các thành viên của tổ BVR ngay lập tức lên đường thực hiện nhiệm vụ. Mọi người phải vượt qua nhiều đồi núi để lên tới điểm chữa cháy, khi tới nơi lại căng mình cùng với lực lượng chức năng dập lửa...”.

Mặt trời chuyển hướng Tây. Giữa rừng xanh, đoàn tuần tra tiếp tục kiểm tra khu vực rừng trồng tái sinh. Ông Lại Văn Quang - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu sau khi nắm lá khô dưới chân liền bảo: "Mọi người cẩn trọng, không ai được hút thuốc nhé!". 

Kinh nghiệm 25 năm gắn bó với nghề lâm nghiệp ở Trạm Tấu giúp ông Quang hiểu rất rõ những thanh âm của rừng. 

"Đốt nương làm rẫy của đồng bào người Mông là tập quán lâu đời. Thêm vào đó, nhiều phụ nữ người Mông không nắm được kỹ thuật đốt nương cần phải làm đường băng cản lửa, phải đốt từ trên xuống dưới và thường xuyên theo dõi. Chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã nhiều lần tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức nhưng trên thực tế vẫn có người làm sai quy trình, gây hậu quả đáng tiếc" - ông Quang chia sẻ thêm. 

Bên cạnh những khó khăn trong việc quản lý, BVR, Trạm Tấu còn gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn ngừa cháy rừng vì điều kiện địa hình phức tạp, núi cao, vực sâu, địa hình chia cắt mạnh. 

Huyện Trạm Tấu hiện có trên 35.300 ha rừng, trong đó, rừng phòng hộ gần 34.000 ha, rừng sản xuất trên 9.000 ha, độ che phủ đạt trên 61%, tập trung ở các xã: Túc Đán, Làng Nhì, Phình Hồ, Bản Mù, Xà Hồ... 

Hàng năm, bà con trong huyện thực hiện trồng mới trên 500 ha rừng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng luôn đề cao nhiệm vụ, tích cực kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác quản lý, BVR, phòng cháy, chữa cháy rừng để mỗi người dân Trạm Tấu luôn coi rừng là mạch nguồn của sự sống.

Văn Dương

Các tin khác
Hậu quả của thiên tai ngày càng nặng nề do biến đổi khí hậu đang diễn ra một cách “dị thường hơn, cực đoan hơn” cả về tần suất lẫn cường độ.

Dự báo khí tượng thủy văn còn sai số do biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, mặt khác do mạng lưới quan trắc còn thưa, thiết bị còn thủ công.

Từ chiều qua (22/3), giông lốc kèm theo mưa đá đã xảy ra tại một số huyện của tỉnh Điện Biên và huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Một cơ sở chăn nuôi gà Minh Dư an toàn sinh học ở huyện Trấn Yên.

Huyện đã triển khai thực hiện 4 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị,

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu xuống đồng kiểm tra sản xuất vụ xuân.

Nhờ các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đầu tư, đến nay, sản xuất lương thực của huyện Trạm Tấu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục