Trong năm 2019, cũng như các địa phương cả nước, dịch bệnh, nhất là BDTLCP đã gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi Yên Bái. Dịch bệnh đã phát sinh tại 5.206 hộ, với 527 thôn, bản, tổ dân phố, ở 124 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị, thành phố; tổng số lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy 28.044 con, tương đương 1.262 tấn; tổng kinh phí đã hỗ trợ cho phòng, chống dịch bệnh trên 37.403 triệu đồng.
Đó cũng là lý do chính dẫn đến tổng đàn gia súc chính chỉ đạt 566.113 con, đạt 80,9% kế hoạch; trong đó, đàn trâu 95.808 con, bò 30.299 con, lợn 440.006 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 51.100 tấn, tăng 1.351 tấn so với năm 2018, đạt 100,2% kế hoạch; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính đảm bảo kế hoạch đề ra là 48.000 tấn.
Bước sang năm 2020, DLMLM lại xảy ra tại 27 hộ, thuộc 3 thôn của xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên với tổng gia súc mắc bệnh 63 con; trong đó, trâu 32 con, bò 21 con, lợn 10 con.
Tại huyện Trạm Tấu, DLMLM xảy ra từ ngày 5/2/2020 đến ngày 14/2/2020 tại 9 hộ, thuộc 1 thôn của xã Pá Lau với tổng gia súc mắc bệnh 25 con; trong đó, trâu 6 con, bò 19 con.
Từ ngày 8/01/2020 đến 14/2/2020, BDTLCP bùng phát trở lại tại huyện Lục Yên, xảy ra ở 9 hộ, 4 thôn của 3 xã: Mường Lai, Minh Chuẩn, Khánh Hòa, tổng số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 96 con, trọng lượng 5.024 kg.
Ngay sau khi xảy ra dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với UBND các huyện, Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên, Trạm Tấu tổ chức kiểm tra, xác minh dịch bệnh; nhanh chóng tổ chức bao vây, khoanh vùng dập dịch.
Chi cục cũng đã cấp cho Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trạm Tấu 1.050 liều vắc-xin phòng chống DLMLM, 100 lít dung dịch sát trùng để thực hiện chống dịch.
Kết quả, đã thực hiện tiêm phòng bao vây ổ dịch được 821 liều vắc-xin phòng chống DLMLM, phun tiêu độc khử trùng chống dịch 2 lượt, sử dụng hết 100 lít sát trùng...
Nhờ vậy, đến ngày 19/2/2020, huyện Văn Yên đã công bố hết DLMLM; ngày 6/3/2020 huyện Trạm Tấu đã qua 21 ngày không phát sinh gia súc mắc bệnh và công bố hết DLMLM. Đến ngày 10/3/2020, xã Mường Lai đã qua 56 ngày, xã Khánh Hòa đã qua 39 ngày, xã Minh Chuẩn đã qua 25 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh và huyện Lục Yên đã công bố hết BDTLCP.
Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: đến ngày 17/3/2020, tỉnh Yên Bái đã khống chế thành công DLMLM, BDTLCP và không có dịch cúm gia cầm xảy ra ; các địa phương, người chăn nuôi đủ diều kiện tái đàn.
Có thể thấy, ngay sau tết Nguyên Đán 2020, các địa phương, hộ gia đình và trang trại chăn nuôi đã tích cực tái đàn để đảm bảo nguồn cung cho thị trường và đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế. Hiện, tổng đàn lợn đã đạt 435.688 con, bằng 83,5% so với trước khi có dịch; đàn gia cầm hàng triệu con và trên 95.000 con trâu, trên 30.000 con bò…
Ông Đức cho biết thêm: Hiện nay, đàn lợn nái vẫn được duy trì và giữ ở mức ổn định. Cùng đó, các cơ sở chăn nuôi cung ứng con giống vẫn duy trì bảo đảm số lượng, chất lượng để cung ứng cho người chăn nuôi.
Đặc biệt, trong chăn nuôi lợn, hiện đã có sự chuyển biến tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ truyền thống sang phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung bán công nghiệp, công nghiệp và khẳng định tính vượt trội so với phương thức sản xuất truyền thống quy mô nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, dù đã khống chế thành công dịch bệnh, nhưng để chăn nuôi phát triển, hiệu quả bền vững, người chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn, chăn nuôi sinh học nhằm bảo vệ đàn vật nuôi và gia tăng đầu đàn; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng tiêu độc và tiêm vắc-xin đầy đủ cho vật nuôi.
Vấn đề nữa là, giá con giống hiện nay đang khá cao; một số hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng BDTLCP đang gặp khó khăn về kinh tế, nên khó khôi phục chăn nuôi lợn quy mô như ban đầu.
Ngọc Trúc