Để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN,TTCN), huyện Lục Yên triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất phát triển. Đồng thời, có nhiều chính sách thu hút dự án sản xuất mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Theo đó, huyện đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài, phát triển CN,TTCN theo hướng nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các DN ổn định và đẩy mạnh sản xuất.
Phát huy những lợi thế từ nguồn nguyên liệu lâm, khoáng sản sẵn có tại địa phương, huyện đã, đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở theo hướng đồng bộ. Bên cạnh đó, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, an ninh trật tự để các DN yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Vì vậy, thời gian gần đây, các DN đến đầu tư tại huyện ngày một tăng và hết năm 2019, có 158 DN, 47 HTX, trên 300 tổ hợp tác hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực khai thác chế biến công nghiệp, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, xây dựng cơ bản, vận tải, thương mại và dịch vụ...
Xác định, lấy phát triển sản xuất công nghiệp là động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; do đó, Lục Yên khuyến khích, quan tâm, tạo điều kiện, ưu tiên cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp có sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, sử dụng nhiều lao động, chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường đầu tư vào địa bàn.
Thời gian qua, các DN, HTX tập trung đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Vậy nên, giá trị sản xuất CN,TTCN tăng mạnh qua các năm và nếu như năm 2015 sản xuất CN,TTCN chỉ đạt 1.026 tỷ đồng thì đến năm 2019 đã đạt 1.790 tỷ đồng, dự ước năm 2020 đạt 1.935 tỷ đồng. Có thể thấy, giai đoạn 2016-2020, nhiều DN hoàn thành việc đầu tư xây dựng cơ bản và đi vào hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Cùng với sự phát triển của công nghiệp khai khoáng thì việc trồng, khai thác, chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn có sự phát triển mạnh. Với diện tích trên 59.417 ha đất lâm nghiệp, hàng năm, địa phương khai thác và trồng mới từ 1.500 đến 2.000 ha cây lâm nghiệp...
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Luc Yên, năm 2019 sản lượng chế biến hàng hóa của địa phương đạt khá cao so với cùng kỳ. Cụ thể, đá Block đạt 90.813 m3; đá Marble đạt 394.500 m2; gạch xây 137.655.000 viên; gỗ ván bóc 206.620 m3; đá xẻ tấm lớn đạt 698.500 m2; đá xẻ tấm nhỏ đạt 890.000 m2. Có thể thấy, một số sản phẩm TTCN từng bước tạo dựng được uy tín và có chỗ đứng trên thị trường như: tranh đá quý, các sản phẩm đá cảnh, tượng đá...
Tuy nhiên, dù đạt được kết quả tích cực, nhưng thực tế cho thấy, phát triển CN,TTCN của Lục Yên mới đạt kết quả bước đầu, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện; điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển CN,TTCN chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư...
Phát huy thế mạnh về lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, khai thác các nguồn lực tại chỗ, thời gian tới, Lục Yên tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển CN,TTCN, tạo việc làm cho người lao động, tiếp tục khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến để tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao...
Trong đó, tập trung đầu tư phát triển công nghiệp khai thác và gia công chế tác các sản phẩm từ đá hoa trắng đã được quy hoạch nhằm nâng cao năng lực tận thu khoáng sản, đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến, xây dựng tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đầu tư vào cụm công nghiệp trọng điểm; ưu tiên phát triển hạ tầng Cụm Công nghiệp Yên Thế sau khi đã điều chỉnh hợp lý thu hút các DN vào đầu tư, tạo điều kiện để ngành công nghiệp huyện tăng nhanh giá trị sản xuất; tiếp tục lấy phát triển công nghiệp làm khâu đột phá, nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp khai thác, chế biến.
Quang Thiều