Đây là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Hànộimới với Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải.
- Kinh doanh trực tuyến, đặc biệt trong thời điểm hiện nay đang chứng minh hiệu quả, khẳng định hướng đi tất yếu mà các doanh nghiệp không thể thờ ơ. Trên thực tế điều này đang diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Đầu tháng 3-2020, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã khảo sát 20 website và sàn giao dịch thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, tỷ lệ đơn đặt hàng trên các sàn này tăng mạnh. Loại hình hàng hóa liên quan đến thiết bị y tế như khẩu trang, nước rửa tay khô được giao dịch nhiều nhất, tỷ lệ đơn đặt hàng tăng khoảng 80%-100% so với trước đây. Bên cạnh đó, các đơn đặt hàng liên quan đến dịch vụ ăn uống cũng tăng cao, khoảng 70%.
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua từ 25% đến 30%/năm. Dịch Covid-19 càng khiến thương mại điện tử tăng cao như một hướng đi tất yếu mà mọi doanh nghiệp không thể không quan tâm.
- Môi trường kinh doanh qua mạng cũng là "mảnh đất" màu mỡ để nhiều đối tượng xấu lợi dụng bán các loại hàng hóa kém chất lượng. Ông đánh giá sao về thực tế này?
- Bên cạnh những lợi ích, thời gian qua đã xuất hiện những cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng đặc thù của hình thức mua bán trực tuyến để trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… Bình quân mỗi năm, Bộ Công Thương tiếp nhận trên 1.500 khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng, trong đó trên 50% liên quan đến các giao dịch trực tuyến. Các khiếu nại này chủ yếu về chất lượng hàng hóa, hàng nhận được không giống với quảng cáo, thông tin sai về xuất xứ... Tính đến ngày 30-3, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử xử lý gần 16.200 gian hàng và gần 32.880 sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng.
Con số này cho thấy, việc trục lợi kinh doanh trên mạng diễn biến phức tạp, cần được xử lý nghiêm.
- Trước thực trạng trên, người tiêu dùng cần làm gì, thưa ông?
- Để tránh bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng nên chọn các website uy tín, hợp pháp. Đây là các website được thông báo trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử, địa chỉ www.online.gov.vn.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng nên chú ý, thông tin người bán, thông tin sản phẩm phải chi tiết, đầy đủ, rõ ràng; đọc kỹ các điều khoản, chính sách bán hàng, lưu trữ đầy đủ thông tin giao dịch… Khi có tranh chấp, người dân liên hệ tới Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (idea.gov.vn, online.gov.vn), Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (vca.gov.vn).
- Bộ Công Thương có giải pháp gì để thúc đẩy thương mại điện tử, đồng thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên môi trường kinh doanh mạng?
- Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại trong thương mại điện tử. Bộ cũng đề nghị sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử để tạo hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng; hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan để triệt tận gốc những loại hàng hóa kém chất lượng...
Đặc biệt, Bộ đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử xây dựng chuyên trang về hàng hóa chính hãng; liên kết nhà sản xuất với các sàn thương mại điện tử; giám sát, quản lý, cảnh báo, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để kinh doanh lừa đảo, bán hàng hóa kém chất lượng hoặc đầu cơ, trục lợi. Chúng tôi đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử thường xuyên kiểm tra, rà soát việc niêm yết giá nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm, gian hàng vi phạm và các hành vi gian lận như nâng giá bán, nâng giá vận chuyển.
Các sàn thương mại điện tử đã phối hợp thông báo công khai để người bán, người mua được biết về các biện pháp xử lý và chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm…
- Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo HNMO)