Bà Trần Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) thị trấn Mậu A cho biết: "Những năm gần đây, Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững tại địa phương tiếp tục phát triển sâu rộng trên các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình nông dân áp dụng công nghệ 4.0 và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, an toàn vì sức khỏe cộng đồng”.
Phong trào đã cổ vũ, động viên nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Văn Yên. Chất lượng, hiệu quả phong trào ngày một nâng lên và xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng chục tỷ đồng, thu hút hàng trăm lao động có việc làm, thu nhập tại chỗ.
Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Kim Oanh ở tổ 5 với mô hình vườn ươm cây giống đã mang lại thu nhập từ 500-700 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động. Hiện, bà Oanh đã thành lập Hợp tác xã Long An với 15 thành viên, đăng ký kinh doanh đa ngành nghề; trong đó, tập trung chủ yếu sản xuất, kinh doanh hạt giống, cây quế giống.
Chị Oanh cho biết: "Sau khi nghiên cứu thị trường, nhận thấy nhu cầu rất lớn của người dân trong, ngoài tỉnh về cây quế giống; do đó, ngoài việc cải tạo mặt bằng đất vườn, tôi đã thuê thêm mặt bằng gần 1 ha đầu tư làm vườn ươm. Hàng năm, tôi xuất ra thị trường trong, ngoài tỉnh trên 2 triệu cây quế giống, với giá bán tại vườn từ 400-700 đồng/cây”.
Nắm bắt lợi thế sông Hồng, bà Nguyễn Thị Lan ở tổ 6 đã đầu tư nuôi cá chiên đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ban đầu, bà đóng lồng nuôi cá bằng tre; sau đó, để tránh mùa mưa bão, nước to cuốn trôi lồng, bà chuyển sang hàn lồng sắt, lồng thép inox.
Kinh nghiệm 10 năm nuôi cá chiên trên sông, bà Lan chia sẻ: cá chiên nuôi lồng không khó, nhưng phải thường xuyên theo dõi nguồn nước và vệ sinh lồng để cá không gặp dịch bệnh. Nguồn con giống mua gom từ đánh bắt tự nhiên; sau đó, phân loại theo kích thước, cân nặng từ 0,1 đến 0,5kg để thả nuôi vào các cỡ lồng phù hợp và trung bình mỗi lồng nuôi từ 120 đến 170 con tùy loại to nhỏ.
"Thức ăn của cá chiên chủ yếu là các loại cá nhỏ, tép dầu tôi đặt mua từ hồ Thác Bà; cá nuôi từ 2-3 năm, đạt từ 2,5kg trở lên là gia đình tôi xuất bán" - bà Lan nói.
Hiện, bà Lan có 4 lồng nuôi cá chiên, hàng năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Năm 2019, bà đã bán được trên 3 tạ cá chiên với giá 550.000 đồng/kg, thu về gần 200 triệu đồng.
Năm 2019, HND thị trấn Mậu A tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 18 hội viên vay vốn phát triển kinh tế với số tiền trên 600 triệu đồng và tổng dư nợ hiện tại do HND quản lý là trên 3,7 tỷ đồng, giải quyết cho 135 hộ vay.
Từ phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững của nông dân thị trấn Mậu A đã xuất hiện nhiều mô hình SXKD hiệu quả từ vườn, ao, chuồng, đồi rừng, SXKD vận tải, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp…
Năm 2019, có 375/728 hộ hội viên nông dân thị trấn đăng ký danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi từ cấp xã đến trung ương; tiêu biểu như hộ hội viên Trần Văn Hưu ở tổ 4; Phạm Thị Duyến ở tổ 1; Chu Thị Khá, Tạ Thị Nga, Nguyễn Văn Nghị, Chu Văn Soạn ở tổ 5; Phan Văn Nam, Nguyễn Thị Lan, tổ 6; Nguyễn Thị Hoài, tổ 7; Hoàng Văn Hà, Bùi Hồng Dinh, tổ 9; Lê Thị Phượng, tổ 11… tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng/tháng.
Vũ Đồng