Kinh tế thành phố Yên Bái: Thắng lợi một nhiệm kỳ

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/4/2020 | 7:58:06 AM

YênBái - Nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố tạo dấu ấn trên các mặt: thương mại, dịch vụ; quy mô sản xuất nông - lâm, thủy sản; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và quy hoạch, quản lý đô thị.

Trung tâm Thương mại Vincom Plaza, thành phố Yên Bái.
Trung tâm Thương mại Vincom Plaza, thành phố Yên Bái.

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ thành phố Yên Bái đã lãnh đạo hệ thống chính trị và nhân dân phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế, khắc phục mọi khó khăn đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và hoàn thành 23/23 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX, trong đó, có 13 chỉ tiêu vượt.

Thương mại, dịch vụ trở thành mũi nhọn

Xác định phát triển thương mại, dịch vụ trở thành ngành mũi nhọn, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế, thành phố đã tăng cường chỉ đạo triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết về "Phát triển thương mại, dịch vụ thành phố Yên Bái giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030”. 

Theo đó, hạ tầng thương mại, dịch vụ được đầu tư theo hướng hiện đại và đồng bộ; mạng lưới cơ sở kinh doanh được mở rộng, thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, phát triển một số trung tâm thương mại, siêu thị lớn, tạo điểm nhấn nổi bật trong diện mạo đô thị như: Trung tâm Thương mại Vincom Plaza, Điện máy xanh, Mediamart… 

Ngoài ra, các ngành dịch vụ khác cũng ngày càng phát triển đa dạng, với nhiều dịch vụ chất lượng cao như: vận tải, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, y tế... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn năm 2020 ước đạt 13.500 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt 9,9%/năm, tăng 1,6 lần so với năm 2015, bằng 123% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội. 

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh, bình quân hàng năm tăng 25,7%, giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2020 ước đạt 80 triệu USD (cao gấp hơn 3 lần so với năm 2015). Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là đá, gỗ, giấy vàng mã...

Phát huy lợi thế có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua, thành phố tập trung rà soát, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư; khuyến khích các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Đẩy mạnh công nghiệp chế biến các sản phẩm chủ lực như: tinh bột sắn, bột Canxi Cacbonat, đũa gỗ, ván ép, giấy đế, sứ cách điện, gạch…; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp; mở rộng Cụm Công nghiệp Âu Lâu, Đầm Hồng. 

Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (giá so sánh 2010) ước đạt 4.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với thực hiện năm 2015, đạt 100% mục tiêu Đại hội, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 10,3%/năm. 

Sản xuất nông - lâm, thủy sản chú trọng về quy mô

Đối với lĩnh vực sản xuất nông - lâm, thủy sản, thời gian qua được thành phố quan tâm chú trọng về quy mô, chất lượng gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đã có bước chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng ngành chăn nuôi và trở thành ngành sản xuất chính. 

Thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao gắn với XDNTM và phát triển đô thị giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”, thành phố đã thực hiện hỗ trợ 327 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ 3,74 tỷ đồng.

Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao như: vùng cây ăn quả có múi ở xã Văn Tiến 15 ha; vùng chăn nuôi tập trung tại các xã Tuy Lộc, Tân Thịnh, Âu Lâu; vùng trồng rau an toàn tại các xã: Tuy Lộc, Âu Lâu, Văn Phú 8,21 ha. 

Năm 2020, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản (giá so sánh 2010) ước đạt 540 tỷ đồng, gấp 1,35 lần so với thực hiện năm 2015, đạt 100% mục tiêu Đại hội, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 6,3%/năm. 



Sản xuất rau ở xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái.  (Ảnh: Đức Toàn)

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, cùng với phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và vai trò chủ thể, trực tiếp của người dân, thành phố đã huy động, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để phát triển nông thôn với tổng nguồn vốn đầu tư cho XDNTM là 1.486 tỷ đồng. 

Hết năm 2019, thành phố có 8/8 xã đạt chuẩn NTM (vượt 5 xã so với mục tiêu Đại hội), thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2020 ước đạt 42,9 triệu đồng/năm, cao gấp 1,7 lần so với đầu nhiệm kỳ.

Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Nhằm thúc đẩy kinh tế tiếp tục tăng trưởng, trong nhiệm kỳ qua, thành phố đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Đầu tư công; huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nhất là các nguồn vốn đầu tư của tỉnh đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên phát triển xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và XDNTM. 

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 ước đạt 19.700 tỷ đồng, gấp 1,89 lần so với  giai đoạn 2011-2015, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 12,3%/năm; giá trị sản xuất ngành xây dựng trên địa bàn năm 2020 ước đạt 1.950 tỷ đồng, bằng 108,3% so với mục tiêu Đại hội. 

Tốc độ xây dựng và phát triển đô thị của thành phố diễn ra khá nhanh. Nhiều công trình, dự án trọng điểm, quan trọng, có quy mô lớn của tỉnh, có tính liên kết vùng được triển khai trên địa bàn thành phố đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thay đổi căn bản bộ mặt đô thị, tạo diện mạo mới cho thành phố.

Nổi bật như: công trình cầu Bách Lẫm; cầu Tuần Quán; đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai; hạ tầng kỹ thuật công viên Đồng Tâm; các hạng mục, công trình thuộc dự án nâng cấp đô thị thành phố từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). 

Trong nhiệm kỳ qua, thành phố đã thực hiện 283 công trình, dự án với tổng mức đầu tư 1.029 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách thành phố là 628 tỷ đồng. 

Thực hiện Đề án "Phát triển giao thông nông thôn, giai đoạn 2016-2020”, thành phố triển khai xây dựng 189 tuyến đường với tổng chiều dài 50,4km, tổng mức đầu tư 27,8 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 11 tỷ đồng. Hiện, 100% đường liên thôn, tổ, liên xã trên địa bàn được kiên cố hóa.

Quy hoạch, quản lý đô thị chuyển biến tích cực

Thực hiện công  tác quy hoạch, quản lý đô thị, thành phố quan tâm chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực; qua đó, hoàn thành lập quy hoạch phân khu 14/17 xã, phường; quy hoạch chi tiết 3 xã XDNTM và quy hoạch chi tiết khu Trung tâm Km5; điều chỉnh cục bộ, kịp thời quy hoạch các xã, phường để thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị; phối hợp thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. 

Thực hiện công tác quản lý đô thị, thành phố triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý trật tự đô thị; triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng các tuyến đường: Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên, Nguyễn Thái Học thành tuyến đường điểm kiểu mẫu "sáng-xanh-sạch-đẹp”. 

Đến nay, về cơ bản, ý thức thực hiện nếp sống văn minh đô thị của người dân thành phố được nâng lên rõ rệt. Đây cũng là những điều kiện cần thiết để thành phố sớm trở thành thành đô thị loại II trong thời gian tới.

Cùng với những chuyển biến trong phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; an sinh xã hội được quan tâm; quốc phòng-an ninh được tăng cường, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

Hệ thống chính trị được củng cố, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; công tác xây dựng Đảng được chú trọng tăng cường, có nhiều đổi mới; niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố đến xã, phường được củng cố.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, thành phố tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế; tạo điều kiện thuận lợi để huy động nội lực, thu hút các nguồn đầu tư từ bên ngoài, tạo sự chuyển biến tích cực, phát triển kinh tế thành phố nhanh, bền vững, trở thành đầu tàu - trục động lực phát triển kinh tế của tỉnh.   
                                                       
Hồng Oanh

Tags Thành phố Yên Bái Tuy Lộc Âu Lâu Văn Phú Đầm Hồng thương mại dịch vụ kết cấu hạ tầng quản lý đô thị

Các tin khác
Chăm sóc đàn lợn thịt tại xã thư Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi lợn tại các địa phương cùng với 15 doanh nghiệp đồng loạt giảm giá xuống mức 70.000 đồng/kg lợn hơi.

Từ nuôi cá chiên, hàng năm bà Nguyễn Thị Lan ở tổ 6, thị trấn Mậu A có thu nhập trên 100 triệu đồng.

Bà Trần Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Mậu A cho biết, Mậu A đã xuất hiện nhiều mô hình nông dân áp dụng công nghệ 4.0 và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, an toàn vì sức khỏe cộng đồng

Giá vàng SJC giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 8/4, giá vàng SJC giảm mạnh, hiện niêm yết ở mức 47,00 - 47,90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Ảnh minh họa

PTTg Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó, quy định giá mua điện đối với các dự án điện mặt trời nối lưới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục