Nông dân Yên Bái: Bám sát đồng ruộng, phòng sâu bệnh gây hại

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/4/2020 | 8:09:40 AM

YênBái - Tình hình dịch hại trên cây trồng vụ đông xuân đang diễn biến phức tạp với các loại như đạo ôn lá, khô vằn, bọ xít đen, rầy... Thời điểm này có tính then chốt quyết định tới năng suất lúa đông xuân, do đó các địa phương và nông dân cần tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm các loại sâu bệnh, diệt trừ tận gốc không để lây lan trên diện rộng.

Nông dân huyện Văn Yên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Nông dân huyện Văn Yên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa.

Nguy cơ sâu bệnh bùng phát cao

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, vụ đông xuân này, toàn tỉnh gieo cấy trên 19.534 ha lúa, dự kiến đến ngày 25/4 diện tích lúa trỗ khoảng 5.000 ha. Tuy nhiên, trên đồng ruộng đang xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại ở các trà lúa. Trong đó, 194 ha nhiễm ốc bươu vàng; 223 ha nhiễm bệnh khô vằn; 184 ha nhiễm bọ xít đen; 75 ha nhiễm rầy; 126 ha nhiễm ruồi đục nõn… Đáng ngại hơn cả là hơn 208 ha bị nhiễm đạo ôn lá tập trung ở các huyện: Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên và thành phố Yên Bái. 

Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ là 190 ha, trung bình 51 ha, nặng 2 ha ở huyện Văn Chấn. Bên cạnh sâu bệnh tấn công các trà lúa thì toàn tỉnh đã có 121/11.896 ha ngô bị nhiễm sâu keo mùa thu, trong đó nhiễm nhẹ là 101 ha, trung bình 20 ha với mật độ phổ biến 3 con /m2, cao 10 con/m2, gây hại ở các huyện Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Yên Bình. 

Nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện các đợt không khí lạnh, trời âm u, có mưa, độ ẩm cao, sương mù kéo dài. Như vậy, nguy cơ giai đoạn lúa trỗ tập trung chịu tác động của điều kiện thời tiết bất thuận có thể ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn làm giảm năng suất, đồng thời là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh trên lúa bùng phát đặc biệt bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng phát sinh gây hại trên diện rộng ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất. 

45 ngày quyết định năng suất lúa

Dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế. Với ngành nông nghiệp, việc đảm bảo ổn định lương thực, an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trong đó thực hiện thắng lợi toàn diện sản xuất vụ đông xuân 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng. 

Tại cuộc họp trực tuyến cùng với các địa phương phía Bắc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Ba tháng trông cây không bằng một ngày trông quả, năng suất lúa quyết định trong vòng 45 ngày cuối cùng của chu kỳ sinh trưởng. Do đó, trong vòng một tháng tới, sẽ là khoảng thời gian quyết định tới thắng lợi, là giai đoạn xung yếu, nhạy cảm nhất đối với tình hình sinh trưởng do đang giai đoạn làm đòng, trỗ đòng, chắc hạt của lúa đông xuân. Các địa phương phải tăng cường cao nhất, tổng lực nhất cho công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng vụ đông xuân”. 

Trước yêu cầu và thực tế đó, Sở NN&PTNT tỉnh đề nghị các địa phương cần thường xuyên bám sát cơ sở, tổ chức, giám sát, đánh giá chặt chẽ tình hình sinh trưởng các trà lúa, dự kiến thời gian trổ bông của từng giống lúa, từng vùng, từng địa phương và diễn biến của điều kiện thời tiết để chủ động khoanh vùng, triển khai phun phòng kịp thời các loại sâu bệnh gây hại. 

Trong đó, cần xử lý dứt điểm diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá để hạn chế tối đa nguồn bệnh phát sinh gây hại trên cổ bông, đối với số diện tích hiện nay giai đoạn đòng già - trỗ bông cần khẩn cấp phòng trừ đạo ôn cổ bông đồng thời tập trung phòng trừ chuột, bệnh khô vằn trên các diện tích nhiễm và có nguy cơ nhiễm bệnh. 

Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thế Hùng cho biết: "Sở đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật bám sát cơ sở, kiểm tra, giám sát tình hình lúa trổ bông; thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, cảnh báo thời gian phát sinh, mức độ gây hại của dịch hại; phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức phòng trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, ban hành hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ các đối tượng dịch hại trên cây lúa và các loại cây trồng vụ đông xuân”. 

Ông Trần Thế Hùng cũng nhấn mạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, không để tình trạng lợi dụng chống dịch để tăng giá hoặc bán hàng không đảm bảo chất lượng. 
Văn Thông

Tags Nông dân Yên Bái đồng ruộng phòng sâu bệnh sâu keo

Các tin khác
Không xuất bán được sản phẩm nên nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp xuất khẩu vẫn rất thấp nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp (ảnh minh họa).

Việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ Ngân hàng Nhà nước và các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là cơ hội để các ngân hàng lấy lại sức tăng trưởng trong mùa kinh doanh cao điểm

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị không nhận lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Giá vàng giữ vững mốc trên 48 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước hôm nay (15/4) cầm chừng trong khi vàng thế giới tăng mạnh, hiện cao hơn giá bán vàng SJC 350.000 đồng/lượng.

Các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng sản xuất cầm chừng do thị trường tiêu thụ “đóng cửa”.

Hàng loạt cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, tinh dầu quế hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động do không xuất bán sản phẩm bởi các thị trường trọng điểm xuất khẩu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản “đóng cửa” khiến giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đang sụt giảm nghiêm trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục