Với phần đa dân số làm nông nghiệp, song căn cứ tình hình thực tế của địa phương, những năm qua, thị xã Nghĩa Lộ đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) triển khai các đề án khuyến công, đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn; hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm thôn Đêu 1, xã Nghĩa An.
Ông Hà Văn Nam - Chủ tịch UBND thị xã cho biết: "Thị xã đã triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp về hành lang pháp lý; có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ thân thiện với môi trường. Thị xã cũng quan tâm thực hiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sản xuất - kinh doanh; duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn".
Hiện nay, Nghĩa Lộ có trên 500 cơ sở CN - TTCN, thu hút trên 2.000 lao động. Trung bình hàng năm, thị xã thực hiện trên 20 chương trình khuyến công với kinh phí gần 1 tỷ đồng, riêng năm 2019, giá trị sản xuất CN - TTCN đạt trên 130 tỷ đồng.
Những năm gần đây, trên địa bàn thị xã phát triển các ngành nghề như dệt may, khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm sản, sản xuất gia công cơ khí, sản xuất than, sản xuất điện. Năm 2020, thị xã phấn đấu giá trị CN - TTCN đạt 306 tỷ đồng trên cơ sở ưu tiên phát triển các ngành nghề có thế mạnh, thu hút đầu tư gắn liền với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với phát triển CN-TTCN, tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách khuyến khích của Trung ương, của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; liên doanh, liên kết nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, hàng hóa; tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực cho công tác đào tạo, dạy nghề trong thị xã; triển khai hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung vào các nghề may, cơ khí chế tạo, chế biến nông - lâm, thủy sản.
Thị xã tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tự truyền nghề, đào tạo nghề tại chỗ cho người lao động; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của ngành công nghiệp, nhất là trình độ quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật và quản lý doanh nghiệp; công nhận và đề nghị công nhận làng nghề, nghệ nhân, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, làng nghề được thụ hưởng các chính sách khuyến khích phát triển… xây dựng nền tảng để phát triển ngành công nghiệp du lịch mang bản sắc văn hóa địa phương.
Thị xã cũng quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất công nghiệp như Nhà máy Gạch Tuynel Văn Chấn, Nhà máy Gạch Nghĩa An, Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ… hoạt động hiệu quả; tập trung phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp trên các tuyến đường mở mới của thị xã và các đơn vị mới sáp nhập vào thị xã, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập ổn định, giải quyết tốt vấn đề lao động việc làm tại chỗ.
Thanh Tân