Vụ đông xuân 2020, huyện Văn Yên gieo cấy 2.900 ha lúa, 60% diện tích là giống lúa lai, 40% là giống lúa thuần chất lượng cao, huyện phấn đấu năng suất bình quân đạt 51,8 tạ/ha.
Trên cánh đồng thôn Yên Tiên, xã Yên Phú, gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa đang làm cỏ và phun thuốc phòng trừ một số diện tích lúa bị sâu bệnh. Với 9 sào ruộng khoán vụ đông xuân năm nay, gia đình ông tập trung gieo cấy giống lúa Chiêm hương để làm hàng hóa. Vụ nào gia đình ông cũng bán ra thị trường hơn 1 tấn lúa.
Ông Nghĩa cho biết: "Thời tiết năm nay thất thường, lúa bước vào giai đoạn đứng cái đã lác đác xuất hiện đạo ôn và bệnh bạc lá, bởi vậy, gia đình tôi đã phun thuốc phòng trừ, không để sâu bệnh lây lan ra diện rộng ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng”.
Ngừng tay làm cỏ trên ruộng, ông Nguyễn Hữu Mùi, thôn Trung Tâm 1 cho biết: "Nhà tôi có hơn 1 mẫu lúa, qua kiểm tra cũng đã xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại, do vậy tôi chủ động phun phòng trừ ngay”.
Nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lúa, vụ đông xuân năm 2020, xã Yên Phú gieo cấy 145 ha lúa trên chân ruộng 2 vụ với cơ cấu trên 70% là diện tích lúa thuần chất lượng cao còn lại là diện tích lúa lai, xã cũng duy trì diện tích lúa hàng hóa 100 ha là lúa thuần chất lượng cao Chiêm Hương. Hiện tại, lúa đang bước vào giai đoạn đứng cái chuẩn bị làm đòng, tuy nhiên, đã xuất hiện lác đác một vài diện tích lúa bị đạo ôn, bạc lá.
Ông Trương Ngọc Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết: "Căn cứ thông báo của Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Phát triển nông nghiệp huyện, UBND xã đã có thông báo yêu cầu các trưởng thôn phối hợp với cán bộ nông - lâm xã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Đối với bệnh đạo ôn, xã chỉ đạo nhân dân tập ngừng bón đạm, giữ nước ruộng và phun thuốc Katana hoặc Fuzione, Fu-Army, Lúa vàng 20WP, Trizole để phòng trừ không để sâu bệnh lan rộng”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, một số xã đã xuất hiện bệnh đạo ôn, rải rác một số diện tích bị ruồi đục nõn, rầy nâu, rầy lưng trắng, bọ trĩ, bọ xít đen, bệnh đốm sọc vi khuẩn...
Ông Doãn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "UBND huyện Văn Yên đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các đơn vị khối nông nghiệp tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh để chủ động các biện pháp phòng trừ kịp thời. Đặc biệt là chú trọng bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng và đạo ôn, khi xuất hiện vết bệnh cần ngừng bón phân đạm, phân bón lá, không để ruộng bị hạn, phun phòng trừ khi bệnh mới phát sinh bằng một trong các loại thuốc: Bassa hoặc Actara, Schez Gold, Victory, Sutin, Sạch rầy 200WP, Gà Nòi hoặc Patox, Sutin, Victory, Validacin hoặc ViDa, AnVil, Xanthomix… Khi sử dụng các loại thuốc tiếp xúc cần phải rẽ lúa thành từng luống nhỏ, mỗi luống từ 5 - 6 hàng để phun trực tiếp vào gốc lúa nơi tập trung sâu bệnh gây hại”.
Thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa xuân của Văn Yên đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay, khả năng sâu bệnh sẽ tiếp tục phát sinh gây hại, các cơ quan chuyên môn trong khối nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo nông dân tránh chủ quan, tích cực thăm đồng, đánh giá mức độ phát sinh của sâu, bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, bảo đảm lúa sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thanh Tân