Giữa năm 2019, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) giá lợn giảm thê thảm chỉ còn 18.000 - 25.000/kg lợn hơi. Đến tháng 9, thị trường ấm dần lên với mức giá dao động từ 50.000 - 65.000 đồng/kg.
Những tháng đầu năm 2020 tăng đột biến lên trên 80.000 đồng - 93.000 đồng/kg; hiện tại, giá lên đến 100.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá lợn hơi tăng cao kỷ lục, kéo theo giá thịt lợn tăng. Nếu như trước đây 1 kg thịt lợn ngon chỉ có giá 70.000 đồng thì nay tăng lên 170.000 đồng - 190.000 đồng, tăng hơn 2,5 lần.
Chi phí cho thực phẩm tăng cao, khiến nhiều gia đình, đặc biệt là người có thu nhập thấp và trung bình gặp nhiều khó khăn. Từ một nguyên liệu bình dân luôn có mặt trong bữa ăn của mọi người, giờ thịt lợn lại trở thành món xa xỉ.
Bà Trần Ngọc Lan, ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Chưa bao giờ tôi thấy thịt lợn lại đắt như bây giờ. Nhà có 2 vợ chồng, với đồng lương hưu ít ỏi giờ thỉnh thoảng mới dám mua thịt lợn, còn ăn cá, trứng, thịt gà... là chính”.
Giá thịt lợn quá đắt, đã khiến người thu nhập thấp không đủ khả năng chi tiêu, phải chuyển sang các thực phẩm khác, khiến thịt lợn tại các chợ dân sinh ế ẩm, nhiều tiểu thương chán nản muốn bỏ hàng.
Bà Nguyễn Thị Thắm - tiểu thương chợ Đồng Tâm cho biết: "Tôi muốn nghỉ bán vì giá lợn hơi hiện nay quá cao, mà lợn cũng khan hiếm phải về các huyện: Yên Bình, Văn Yên để tìm lợn nhưng cũng không có. Thêm vào đó, thịt bán ra cũng rất chậm, thường xuyên bị lỗ do ế hàng”.
Bất chấp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ kéo giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg, mặt hàng này vẫn tiếp đà tăng "phi mã”. Người tiêu dùng mong mỏi giá lợn giảm để bớt chi phí sinh hoạt; tiểu thương mong giá giảm để tăng sức mua.
Thế nhưng, thực tế nguồn cung khan hiếm, nhiều tiểu thương phải bỏ thêm chi phí về các huyện để tìm mua mà không có hàng. Thậm chí, để mua được lợn, một số chủ buôn chấp nhận chi tiền cho "cò” vài giá, vài chục giá để có hàng bán.
Bà Nguyễn Thị Liên - tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Yên Thịnh cho biết: "Giá cao thế này, mổ 1 con lợn chi phí đủ thứ từ tiền cho trung gian giới thiệu nguồn hàng, tiền thuê mổ, tiền chợ... nên hôm nào bán hết hàng thì hòa, còn không thì lỗ, buộc phải chấp nhận 2 - 3 người chung nhau 1 con bán cả ngày để giữ khách quen”.
BDTLCP xảy ra trên địa bàn tỉnh làm tổng số lợn buộc phải tiêu hủy 28.098 con, trọng lượng trên 1.265 tấn, khiến đàn lợn toàn tỉnh thiếu hụt 22% và hiện nay lợn chăn nuôi trong dân không còn. Tại các doanh nghiệp cũng không đủ lợn để cung ứng cho thị trường.
Để giải quyết vấn đề này, phương án được ưu tiên hiện nay là tái đàn và nhập khẩu thịt lợn. Tuy nhiên, việc tái đàn trong nhân dân đang gặp vô vàn khó khăn do giá con giống, thức ăn, thuốc thú y cũng tốc độ tăng như giá lợn xuất chuồng .
Chăn nuôi lợn hàng chục năm, nhưng chưa khi nào ông Trần Văn Tiến ở thôn Thanh Niên, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái ở trong thế điêu đứng như 2 năm nay. BDTLCP quét qua, khiến người chăn nuôi như ông kiệt quệ.
Vốn liếng của cả gia đình đổ vào nuôi lợn, đến khi dịch xảy ra, giá lợn hơi leo cao nửa năm nay nhưng ông Tiến không còn khả năng tái đàn để bù lỗ. Cả 6 ô chuồng có thể nuôi tối đa 30 con lợn thì nay chỉ sử dụng 2 ô để nhốt 3 con.
Ông Tiến chia sẻ: "Hiện nay, giá con giống, thức ăn tăng cao nên gia đình không có điều kiện để tái đàn hết các ô chuồng”.
Theo tính toán của người chăn nuôi, thời điểm này, để nuôi được 1 con lợn thành phẩm trung bình mất 4 tháng. Các chi phí bao gồm: lợn giống khoảng 2,5 - 3,5 triệu đồng, tiền thuốc và vắc - xin khoảng 200.000 đồng; 1 con lợn giống đến khi xuất bán khoảng 100 kg sẽ mất 8 - 9 bao cám, trung bình giá cám cho lợn sữa, lợn choai và lợn thịt là 430.000 đồng/bao.
Tổng cộng chi phí là 6,8 - 7,2 triệu đồng cho 1 con lợn 100 kg và so với thời điểm trước dịch thì các chi phí đầu vào đã tăng hơn 2 lần. Sau 4 tháng chăn nuôi, nếu giá vẫn giữ 100.000 đồng/kg như hiện nay thì 1 con lợn lãi 3 - 4 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Quyên ở thôn Cổng Trào, xã An Thịnh, huyện Văn Yên cho biết: "Không biết, sau vài tháng nữa giá lợn còn giữ ở mức này không? Nên gia đình tôi không dám mạo hiểm mua con giống về nuôi. Hiện, tôi đang gây mấy con lợn nái để tự cung cấp giống”.
Việc tái đàn là giải pháp cấp bách, hiệu quả nhất để bù bắp sản lượng thịt hơi thiếu hụt, giảm áp lực nguồn cung đối với thị trường, góp phần hạ nhiệt giá lợn hơi.
Tuy nhiên, cùng với việc thiếu nguồn giống, chi phí đầu vào tăng cao thì hiện nay tại nhiều tỉnh, thành phố BDTLCP tái phát trở lại nên yêu cầu đặt ra đối với người chăn nuôi là phải áp dụng chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, bảo đảm an toàn dịch bệnh nhằm từng bước khôi phục lại đàn lợn trong dân cũng như ổn định thị trường thịt lợn trong thời gian sớm nhất.
Hồng Duyên