Yên Bái: Phòng chống thiên tai chủ động từ cơ sở

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/6/2020 | 8:31:41 AM

YênBái - Nhiều năm qua, Yên Bái thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của hoàn lưu các cơn bão gây nên lũ quét, lũ ống... Xác định rõ tác hại của thiên tai, tỉnh luôn đặt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) trở thành nhiệm vụ hàng đầu.

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi các gia đình bị ảnh hưởng dông lốc, mưa đá ở thành phố Yên Bái đầu năm 2020.
Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi các gia đình bị ảnh hưởng dông lốc, mưa đá ở thành phố Yên Bái đầu năm 2020.

Tình hình thiên tai, đặc biệt là mưa dông năm 2020 có nhiều diễn biến bất thường, phức tạp và thực tế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 đợt thiên tai do dông lốc, mưa đá gây thiệt hại về người, tài sản, hoa màu… 

Xã Quang Minh, huyện Văn Yên nằm dọc theo 3 con suối: Ngòi Mười, Ngòi Nấm, Ngòi Khai và có 4 thôn thì tất cả đều nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét. Chỉ cần mưa to 2 tiếng đồng hồ là các thôn hầu như bị cô lập; trong đó, thôn Minh Khai có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. 

Bà Nguyễn Thị Lý - Trưởng thôn cho biết: "Trước khi vào mùa mưa, thôn đã kiến nghị với xã để có phương án bố trí di dời các hộ đến vùng an toàn; đồng thời, chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ động PCTT đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản".  

Xác định PCTT có vai trò đặc biệt quan trọng, ngay từ đầu năm, UBND xã Quang Minh đã xây dựng phương án chủ động ứng phó với thiên tai, đặc biệt là mưa lũ. 

Ông Triệu Quý Đức - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Hàng năm, xã đều xây dựng kế hoạch chi tiết; đồng thời, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT - TKCN của xã để chủ động phòng chống và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai; chủ động vật tư, phương tiện dự phòng và chỉ đạo mỗi thôn thành lập đội xung kích, mỗi đội có từ 15 - 20 thành viên. Vào những ngày mưa lũ, chỉ đạo lực lượng này canh gác tại các khu vực ngập lụt, đập tràn để cảnh báo, không cho nhân dân qua lại. Đồng thời, xã kiến nghị với huyện bố trí khu tái định cư tại xã cho các hộ nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất”. 

Theo Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh, năm 2019, địa bàn tỉnh xuất hiện 15 đợt thiên tai, làm 6 người chết, 5 người bị thương, gây hư hỏng 2.211 căn nhà, thiệt hại 902,2 ha sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, 3,39 ha nuôi cá và phá hỏng 87 lồng nuôi cá, 9.180 con gia súc, gia cầm bị chết, hàng trăm công trình công cộng bị hư hỏng… ước thiệt hại khoảng 39 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 5 đợt thiên tai do dông lốc, mưa đá gây thiệt hại về người, tài sản của người dân. 

Cụ thể, thiên tai làm 1 người chết, 14 người bị thương, hư hỏng 6.050 căn nhà; thiệt hại trên 1.071 ha sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; 1.240 con gia súc, gia cầm; 36 công trình cơ sở hạ tầng bị tốc mái, hư hỏng… ước tính thiệt hại khoảng 43 tỷ đồng. 

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, việc PCTT luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao. Tỉnh đã thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”; công tác khắc phục hậu quả thiên tai được tỉnh chỉ đạo, triển khai khẩn trương, quyết liệt, kịp thời. Riêng việc tái định cư, chuyển hướng từ tái định cư theo dự án tập trung quy mô lớn sang hình thức tái định cư xen ghép.

Đến nay, tỉnh đã sắp xếp ổn định cuộc sống cho trên 2.240 hộ; hỗ trợ khắc phục, di dời an toàn trên 2.285 nhà bị ảnh hưởng; khắc phục trên 110 công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng với tổng kinh phí đã huy động trên 946 tỷ đồng. 

Theo dự báo, thời gian tới, thời tiết tiếp tục có những diễn biến bất thường, phức tạp hơn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như: mưa lớn, dông lốc, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất xảy ra cường độ dày hơn, mức độ nguy hiểm hơn. 

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, ngành chức năng lập phương án và thực hiện các giải pháp để phòng tránh, ứng phó với thiên tai; xây dựng các phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai; tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật PCTT, Chỉ thị số 05 của UBND tỉnh ngày 26/3/2020 về tăng cường công tác PCTT - TKCN năm 2020 trên địa bàn tỉnh; các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai của trung ương, tỉnh. 

Cùng đó, thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch, phương án PCTT đảm bảo chi tiết, cụ thể hóa, sát thực tế, nhất là việc đảm bảo hậu cần vật chất, phương tiện; bố trí tái định cư; thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo, thông tin, tuyên truyền về PCTT - TKCN; kiểm tra, quan trắc và khắc phục, gia cố kịp thời các hệ thống hồ, đập thủy lợi; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn về người, tài sản cho nhân dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại các công trình hạ tầng khi có thiên tai... 

Bên cạnh sự chủ động của tỉnh, ngành chức năng thì nhân dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, thường xuyên nắm bắt, theo dõi sát sao các bản tin thời tiết, bản tin cảnh báo thiên tai của ngành chuyên môn để có biện pháp ứng phó. Hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra trong phạm vi hẹp, nhưng không vì thế mà chủ quan, phải có kế hoạch phòng, tránh và tuyệt đối không sinh sống, làm nhà, lán ở những điểm nguy hiểm như bờ sông, bờ suối, dưới taluy; thực hiện gia cố lại nhà ở tại những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.

Để giảm thiểu thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra, ngay trong mùa mưa bão năm 2020 và những năm tiếp theo, tỉnh thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương rà soát, bổ sung hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch, phương án PCTT của tỉnh, sở, ngành, địa phương đảm bảo sát với thực tế. 

Trước mắt, ban hành kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh về việc thực hiện PCTT - TKCN năm 2020. Cùng đó, thực hiện tốt dự báo, cảnh báo, thông tin tuyên truyền về PCTT; tiếp nhận, quản lý và vận hành hệ thống trang thiết bị dự báo, cảnh báo PCTT; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông, thủy lợi, công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư công, đảm bảo tiến độ các hạng mục, khối lượng công trình phải hoàn thành trước mùa mưa lũ, hạn chế thấp nhất khả năng bị ảnh hưởng do mưa lũ. 

Kiểm tra, quan trắc, khắc phục, gia cố đảm bảo an toàn hệ thống hồ, đập thủy lợi, thủy điện, có biện pháp tích nước đảm bảo sản xuất nông nghiệp, thủy điện phù hợp với điều kiện thực tế. Làm tốt việc tổ chức lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện, hậu cần ở từng địa phương, gia đình để sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra theo phương châm "bốn tại chỗ”; không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, diễn biến của thời tiết, thiên tai; xây dựng các phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm thời tiết từng địa phương, khu vực. 

Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thường trực để tham gia kịp thời công tác TKCN, cứu hộ, sơ tán... khi xảy ra thiên tai. Đồng thời, ban hành các văn bản về tăng cường PCTT; xây dựng kế hoạch và phương án ứng phó với thiên tai; tăng cường thông tin tuyên truyền quán triệt các chỉ thị, công điện và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về PCTT - TKCN. 

Ông Phạm Quốc Hưng - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi: 



Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh đã bố trí trực ban với chế độ 24/24 giờ, phối hợp thường xuyên với Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, các trạm đo mưa ở, đặc biệt là các xã vùng trọng điểm lũ quét, sạt lở đất để kịp thời cảnh báo và đề ra các giải pháp phòng, chống tham mưu Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh và UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời. 

Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục rộng rãi cho cộng đồng để nắm rõ các quy định Luật PCTT; các văn bản chỉ đạo của các cấp về TKCN; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của ứng phó sự cố thiên tai cứu hộ, cứu nạn. Từ đó, thấy được trách nhiệm của cộng đồng trong PCTT - TKCN; nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình thiên tai, biện pháp phòng tránh, kỹ năng, kinh nghiệm phòng, chống. 

Ông Nguyễn Đức Quý - Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn: 



Thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của UBND huyện, ngay từ đầu năm 2020, UBND xã tổ chức kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCTT - TKCN xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên xây dựng phương án để có kế hoạch chủ động ứng phó kịp thời với thiên tai, mưa lũ; trong đó, đặc biệt chú trọng đến các khu vực xung yếu như ven sông suối, khu vực đồi núi cao để có phương án di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi có mưa to. 

Đồng thời, chỉ đạo nhân dân có phương án dự trữ nhu yếu phẩm trong những ngày mưa lớn; có kế hoạch bảo vệ công trình, kho tàng, nhà ở trường học, các công trình công cộng, phúc lợi… đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân và giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do thiên tai.

Ông Vũ Đình Giang, thôn Trung Tâm, xã Yên Thái, huyện Văn Yên:



 Bước vào mùa mưa bão, gia đình tôi đã chủ động các phương án để ứng phó như: chằng chống nhà cửa, thu hoạch nhanh gọn hoa màu, có phương án dự trữ lương thực tối thiểu ít nhất từ 5 - 7 ngày để đề phòng những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Cùng đó, chủ động theo dõi thông tin, diễn biến của thời tiết, thiên tai để chủ động phòng tránh và giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do thiên tai. 

Thanh Tân

Tags Yên Bái phòng chống thiên tai chủ động cơ sở

Các tin khác
Đoàn công tác Bộ Tài chính làm việc với Cục Thuế tỉnh Yên Bái. (Ảnh: T.L)

Dịch Covid - 19 đã tác động mạnh đến thu ngân sách Nhà nước do ngành thuế Yên Bái quản lý trong 5 tháng đầu năm 2020 và dự báo sẽ còn ảnh hưởng trong thời gian tới.

Phụ nữ xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải giữ gìn nghề truyền thống.

Đồng bào Mông ở huyện Mù Cang Chải có nhiều nghề truyền thống mang nét văn hóa độc đáo đặc trưng. Năm 2019, nhiều nghề truyền thống, làng nghề được công nhận và có những bước phát triển phù hợp với cuộc sống hiện đại mà vẫn quý trọng, giữ gìn nghề truyền thống của cha ông để lại.

Cán bộ Hội Nông dân xã Sơn Thịnh trao đổi với hội viên về kỹ thuật chăm sóc cây cà chua.

Những năm qua, Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” tiếp tục được Hội Nông dân (HND) thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn triển khai sâu rộng, ngày càng có sức lan tỏa, thu hút đông đảo hội viên nông dân (HVND) tham gia.

Nhân dân xã Minh Xuân, Lục Yên làm đường giao thông nông thôn. Ảnh Văn Tuấn

Trong giai đoạn 2016 - 2019, toàn tỉnh đã kiên cố hóa 1.106,97 km mặt đường bê tông xi măng, mở mới 196,07 km đường đất, xây dựng 1.483 công trình thoát nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục