Hơn 1 năm trước, cơn sốt trà chanh ở thành phố Yên Bái bùng nổ. Hàng loạt các quán trà chanh được mở ra theo hình thức kinh doanh nhượng quyền thương hiệu như: Tmore, Happy Tea, Bụi phố, Chill… với gần 20 chi nhánh trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Dẫn đầu trong xu hướng này là Tiệm trà chanh Tmore của cô chủ Đặng Hương Giang, 25 tuổi góp vốn cùng 1 người bạn kinh doanh với chi phí nhượng quyền là 80 triệu đồng và tổng chi phí đầu tư ban đầu hơn 600 triệu đồng.
Đây là một số tiền không hề nhỏ, sản phẩm/dịch vụ mới trên địa bàn, song những bạn trẻ này vẫn mạnh dạn, dám đầu tư. Cửa hàng mở ra nhận được sự phản hồi rất tốt từ phía khách hàng, lượng khách đổ về đây hàng ngày lên đến hàng trăm lượt, doanh thu những ngày đầu tiên đạt trên 10 triệu đồng. Cửa hàng thành công cũng là lúc vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ việc bùng nổ các thương hiệu trà chanh.
Trên tuyến phố Nguyễn Thái Học, lần lượt 3 tiệm trà chanh từ các thương hiệu khác liên tục mở ra, chỉ cách nhau có vài trăm mét.
Giang chia sẻ: "Sự cạnh tranh giữa các thương hiệu rất cao. Điều chúng tôi đang làm để thu hút khách hàng là linh hoạt với thị trường bằng cách thường xuyên cập nhật, làm mới thực đơn, các chiến dịch giảm giá thu hút khách và xây dựng không gian quán đúng với thị hiếu các khách hàng mà chúng tôi nhắm tới. Vì thế, dù các thương hiệu mới liên tục mở ra, song chúng tôi vẫn giữ được lượng khách ổn định cho mình”.
Là bà chủ của 2 cửa hàng kinh doanh nhượng quyền thương hiệu là Tiệm trà chanh Tmore tại thị xã Nghĩa Lộ và Bánh mỳ dân tổ (phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái), bạn Trần Diệu Thu, 27 tuổi, ở thành phố Yên Bái đã tích lũy cho mình những kinh nghiệm và bài học về kinh doanh nhượng quyền.
Đó là thị trường mới, rủi ro chuỗi khi các chi nhánh khác có vấn đề, đội ngũ nhân viên thiếu kinh nghiệm do tuyển dụng từ lao động địa phương, vấn đề quản lý nhân lực cũng là những khó khăn với cô gái trẻ.
Với sản phẩm kinh doanh mang thương hiệu Bánh mỳ dân tổ mới ra mắt tại thị trường Yên Bái cách đây vài ngày, Thu cùng người bạn của mình đã phải chi trả gần 100 triệu tiền nhượng quyền và 300 triệu đồng để đầu tư, tu sửa mặt bằng và máy móc - số tiền không nhỏ khi kinh doanh một sản phẩm phổ thông như bánh mỳ.
Thu tâm sự: "Bánh mỳ là thực phẩm mà từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể sử dụng hàng ngày; trong khi đó, trên địa bàn tỉnh chưa có một cửa hàng phục vụ chuyên nghiệp sản phẩm này. Vì vậy, tôi đầu tư sản phẩm này về đây với mong muốn người dân được sử dụng sản phẩm giá bình dân nhưng chất lượng và cách phục vụ như ở nhà hàng với nhiều hương vị mới lạ chứ không chỉ đơn thuần là pate, trứng, chả, xúc xích. Tất cả các thực phẩm đều đầy đủ các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Những ngày đầu ra mắt, cửa hàng đã bán được trên 600 cái bánh mỗi ngày, doanh thu đạt 12 - 15 triệu đồng”.
Kinh doanh nhượng quyền thương hiệu đang dần trở nên phổ biến từ các quán trà sữa, trà chanh cho các quán ăn, lẩu nướng đều kinh doanh hình thức này, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các các bạn trẻ dám thử sức. Tuy nhiên, kinh doanh theo hình thức này không phải là điều dễ dàng. Dù là các thương hiệu có tiếng trên thị trường, song về lâu dài sẽ khó trụ vững ở một thị trường mới như Yên Bái.
Để tiếp cận, thu hút khách hàng, người kinh doanh phải đầu tư thêm cho các hoạt động quảng bá hình ảnh, thương hiệu, hoạch định kế hoạch có chiến lược lâu dài hay bù lỗ khi vận hành thương hiệu... Với các bạn trẻ ở Yên Bái, bằng nhiệt huyết, tri thức, sức trẻ đang kinh doanh khá thành công hình thức này ở thời điểm hiện tại.
Hoài Anh