Trong nhiệm kỳ qua, các mục tiêu phát triển kinh tế đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đều được cụ thể hóa và triển khai đạt kết quả tốt. Kinh tế phát triển khá, thu nhập bình quân đầu người đạt 36,6 triệu đồng, tăng 66,4% so với năm 2015.
Đặc biệt, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) có bước phát triển mạnh, trở thành điểm tựa vững chắc cho nền kinh tế, tạo nền móng phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân…
Việc chủ động khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển CN-TTCN đã được các cấp lãnh đạo huyện Lục Yên đặc biệt quan tâm. Trong đó, điểm nổi bật là huyện đã xây dựng các chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo cơ chế mở, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nhờ đó, thế mạnh, tiềm năng được phát huy tối đa.
Năm 2020, giá trị sản xuất CN-TTCN ước đạt 1.940 tỷ đồng, vượt 7,8% mục tiêu nghị quyết; bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 13,68%/năm và đóng góp khoảng 70% vào nguồn thu cân đối ngân sách của huyện. Địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ rừng trồng...
Trong giai đoạn 2016 - 2020, đã có 5 nhà đầu tư cam kết xây dựng nhà máy trong Cụm Công nghiệp Yên Thế; 14 dự án về công nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký thực hiện trên 552 tỷ đồng và 11 triệu USD, trong đó, 9 dự án đã và đang được triển khai thực hiện.
Song hành với đó, việc duy trì và phát triển 45 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, sản xuất mộc dân dụng, sửa chữa cơ khí (tăng gấp 1,4 lần so với năm 2015)...
Một số doanh nghiệp đã mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, có tính cạnh tranh cao, như: Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam; Công ty cổ phần Khai Khoáng Thanh Sơn; Công ty cổ phần Stone Base Việt Nam; Công ty TNHH Một thành viên Vạn Khoa Lục Yên…
Chỉ tính riêng Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam, sản lượng năm 2019 đã đạt con số đáng kể: đá khối đạt 18.047 m khối; đá Tile đạt 114.992 m vuông; đá slab đạt 262.023 m vuông; doanh thu 560 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước năm 2019 đạt 136 tỷ đồng.
Các công ty, doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN cũng đã xây dựng được nguồn quỹ an sinh xã hội, giúp sức cho cộng đồng; tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Bên cạnh đó, việc phát triển các làng nghề như: dệt thổ cẩm; chế tác đá mỹ nghệ; làm tranh đá quý nhằm tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống… đã khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo nên diện mạo mới cho lĩnh vực TTCN…
Việc đồng hành với doanh nghiệp còn được thể hiện trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện 49 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản với tổng diện tích gần 1.077 ha; đã thành lập mới: 69 doanh nghiệp, 36 hợp tác xã, 460 tổ hợp tác với tổng số vốn đăng ký trên 234 tỷ đồng; cấp 1.063 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các cá nhân, hộ gia đình, đồng thời giải thể các hợp tác xã yếu kém, ngừng hoạt động.
Đến nay, toàn huyện có 141 doanh nghiệp, 49 hợp tác xã với tổng số vốn trên 1.600 tỷ đồng; 2.900 hộ kinh doanh cá thể, đóng góp 126,7 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước (tăng gấp 2,2 lần so với năm 2015).
"Sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh và huy động sự chung sức, đồng lòng của các tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển CN-TTCN theo hướng chế biến sâu, gắn với xuất khẩu” là hướng đi tiếp theo của CN-TTCN huyện Lục Yên với mong muốn nâng tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 lên trên 4.500 tỷ đồng.
Hy vọng rằng, trong nhiệm kỳ tới, CN-TTCN sẽ có những bước phát triển vượt bậc, xứng đáng là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.
Thiên Cầm