Những ngày tháng 6 này, bà con nông dân ở xã Nghĩa Lộ phấn khởi thu hái lứa chè hè đầu tiên trong năm.
Ông Đặng Xuân Nghĩa ở thôn 4 có hơn 3 ha chè, chủ yếu là giống LDP1, LDP2, PH1 được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu làm đất, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, lại được cán bộ khuyến nông thường xuyên hướng dẫn, cộng với các lứa chè trước được cắt bằng máy, nên búp chè lứa này đẹp và đều tăm tắp.
Ông Nghĩa chia sẻ: "Chúng tôi thu hái đến đâu được nhà máy thu mua hết đến đó với giá dao động từ 3.500 - 4.500 đồng/kg búp tươi, mỗi năm gia đình thu nhập trên 400 triệu đồng.
Không có lợi thế về đất đồi để phát triển cây chè, xã Thanh Lương đã thực hiện chủ trương chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao như dưa lê, dưa hấu, ớt xuất khẩu, mía tím… Những ngày này, anh Đinh Văn Hoa, thôn Bản Khinh, xã Thanh Lương đang tranh thủ phân loại ớt để công ty đến thu mua. Anh Hoa là một trong những hộ tiên phong tham gia mô hình ớt xuất khẩu với 6 hộ dân trong xã.
Anh Hoa cho biết: "Mô hình được Công ty TNHH GOV, tỉnh Phú Thọ triển khai trong đó hỗ trợ, cung ứng giống, tập huấn, hướng dẫn về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Qua hơn 6 tháng trồng cây ớt đã cho thu hoạch khá tốt”.
Cũng giống như các xã nông nghiệp trên địa bàn, với lợi thế đất nông nghiệp, năm 2020 xã Phù Nham đã chỉ đạo và hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, duy trì 264 ha lúa, ứng dụng 3 ha trồng lúa hàng hóa với mô hình thử nghiệm giống GL102, RS 12; trồng 50 ha ngô xuân trên đất bãi màu và đất đồi; trồng trên 40 ha các loại rau, củ, quả luân canh.
Ông Phùng Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã Phù Nham cho biết: "Hiện nay xã đã triển khai vận động các hộ dân thành lập tổ hợp tác để liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm như trồng bưởi, chanh leo, trồng cây rau lấy hạt... Trong đó cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật; đồng thời, thu mua, vận chuyển cho đơn vị bao tiêu sản phẩm đem lại nguồn thu nhập từ 250 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Qua khảo sát cho thấy, các xã phường của thị xã Nghĩa Lộ đều đã khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện để nông dân xây dựng được từ 5 đến 7 mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Để có kết quả này, trong thời gian vừa qua thị xã Nghĩa Lộ đã khuyến khích, hỗ trợ giúp các xã, phường xây dựng các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, thị xã cũng tập trung quy hoạch, liên doanh, liên kết xây dựng một số vùng sản xuất tập trung theo hướng công nghệ cao, an toàn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tập trung xây dựng mô hình nông nghiệp tổng hợp gắn với du lịch.
Mục tiêu cụ thể là quy hoạch xây dựng vùng sản xuất tập trung lúa chất lượng cao tại 5 xã, phường với các giống như: Séng cù, Hương chiêm; xây dựng vùng sản xuất rau màu chất lượng cao tại 5 xã, phường với các sản phẩm như: cà chua, súp lơ xanh, su su, ngô nếp tím Fancy 111, cây dược liệu, hoa và cây cảnh theo hướng an toàn, hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng các mô hình nông nghiệp tổng hợp gắn với phát triển du lịch tại xã Nghĩa An, Nghĩa Phúc và phường Pú Trạng với các mô hình như: trang trại tổng hợp có sản phẩm cây con đặc sản, đặc thù với cảnh quan đẹp, có chỗ đón và phục vụ khách du lịch.
Đồng thời, liên kết với các tổ chức doanh nghiệp tổ chức sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu. Qua đó, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ đó giúp tăng thu nhập cho người nông dân.
Nhật Thanh - Khánh Linh (Trung tâm TT&VH thị xã Nghĩa Lộ)