Xác định trồng rừng là kinh tế mũi nhọn, huyện Văn Yên đã giao diện tích rừng, đất rừng cho nhân dân quản lý và sử dụng; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phát triển vốn rừng.
Hàng năm, huyện chủ động xây dựng kế hoạch trồng rừng cho các xã; đồng thời, tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thành công tác thiết kế, chuẩn bị tốt các điều kiện cho người trồng rừng. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, phong trào trồng rừng phát triển mạnh mẽ và đến nay, trồng rừng đã thành nghề đối với nông dân Văn Yên.
Tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, huyện trồng mới được trên 14.391 ha rừng, trung bình mỗi năm trồng mới được trên 2.878 ha, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%. Đồng thời, nói đến trồng rừng kinh tế ở Văn Yên thì quế vẫn là cây trồng chủ lực. Đến nay, huyện có khoảng trên 40.000 ha quế; trong đó, có trên 25.000 ha quế tập trung.
Để khai thác thế mạnh cây quế, thời gian qua, huyện có nhiều chính sách về quy hoạch vùng quế, hỗ trợ phát triển cây quế; xây dựng, xác lập Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế tại 8 xã trọng điểm, với diện tích quế tập trung 25.357 ha; xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu đối với một số sản phẩm từ quế Văn Yên.
Cùng với việc phát triển trồng rừng, huyện đẩy mạnh công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản khác gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu.
Hiện, Văn Yên có 11 cơ sở chưng cất tinh dầu quế với sản lượng tinh dầu đạt 320 tấn/ năm; 9 hợp tác xã và trên 100 cơ sở chế biến gỗ. Trung bình mỗi năm, huyện xuất ra thị trường khoảng 9.000 tấn vỏ quế khô, 55.000 tấn cành, lá quế, trên 300 tấn tinh dầu quế và 62.000 m khối gỗ quế, mang lại nguồn thu cho nhân dân trên 700 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
Chiến lược ngành lâm nghiệp huyện Văn Yên được xác định là phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Cụ thể, huyện sẽ tiếp tục thực hiện phát triển rừng theo quy hoạch, phấn đấu trung bình hàng năm trồng mới 2.500 ha rừng trở lên, đưa độ che phủ rừng đạt 67,5%. Với những ưu thế vượt trội, cây quế tiếp tục được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của huyện những năm tiếp theo.
Trong đó, huyện sẽ phát triển ổn định diện tích quế khoảng 60.000 ha gắn với nâng cao chất lượng nguyên liệu quế; phấn đấu đến năm 2025 có từ 35.000 ha quế trở lên được sản xuất theo quy trình hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao giá trị, mở rộng thị trường xuất khẩu, bảo đảm giữ vững thương hiệu quế Văn Yên; bảo tồn, giữ gìn gen quý giống quế bản địa xây dựng thành trung tâm sản xuất, cung ứng giống quế chất lượng cao cho các địa phương trong, ngoài tỉnh; tăng cường liên kết giữa người dân với các doanh nghiệp trong việc trồng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm quế.
Cùng đó, huyện tập trung quản lý, bảo vệ, phát triển nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, rừng trồng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn; rà soát, đề xuất chuyển một phần rừng tự nhiên sản xuất nghèo kiệt, kém hiệu quả sang trồng rừng gỗ lớn, lâm đặc sản gắn với phát triển lâm sản ngoài gỗ và cây dược liệu dưới tán rừng; phấn đấu đến năm 2025, huyện có khoảng 4.000 ha rừng cây gỗ lớn.
Văn Thông