Người dân đã biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Để từng bước phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, Lương Thịnh đã làm tốt công tác quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất tập trung phù hợp với thế mạnh của địa phương, liên kết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm.
Đối với 325 ha lúa tập trung, xã đưa các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao vào gieo cấy cùng với nâng cao mức đầu tư thâm canh, nhờ vậy, năng suất lúa đã cải thiện rõ nét. Nếu như trước đây năng suất cao nhất cũng chỉ đạt 45 - 47 tạ/ha, thì nay bình quân đã đạt 52,7 tạ/ha, sản lượng thóc đạt hơn 1.700 tấn.
Cùng với cây lúa, bà con còn phát triển mạnh cây ngô với diện tích trên 40 ha… nhờ vậy, tổng sản lượng cây lương thực có hạt hằng năm đạt 9.228 tấn, giá trị ước đạt 64,3 tỷ đồng.
Trong một vài năm trở lại đây, những diện tích đất ruộng kém hiệu quả, bà con đã thực hiện chương trình trồng dâu nuôi tằm, đến nay đã trồng được 1,5 ha dâu.
Với lợi thế về rừng và đất rừng, xã vận động nhân dân quản lý tốt diện tích rừng hiện có, đối với diện tích rừng trồng đã đưa các giống cây lâm nghiệp tiến bộ, năng suất chất lượng cao vào trồng tập trung.
Hết năm 2019, toàn xã có 5.319 ha rừng trồng, trong đó có 1.665 ha quế, trên 1.864 ha keo các loại và trên 1.000 ha các loại cây trồng khác. Bình quân mỗi năm khai thác và trồng mới 314,5 ha rừng, giá trị sản lượng gỗ bán đạt trên 54 tỷ đồng - một con số đáng kể ở một xã thuần nông như Lương Thịnh.
Đặc biệt, trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xác định cây tre măng Bát độ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ canh tác của người dân địa phương, Lương Thịnh đã chỉ đạo triển khai rà soát diện tích đất chè già cỗi, đất trồng cây bồ đề, diện tích rừng hỗn giao kém hiệu quả để vận động người dân đưa cây tre măng Bát độ vào trồng thay thế.
Đến nay, toàn xã đã trồng mới được 285 ha tre măng Bát độ, trong đó đã có 110 ha bắt đầu cho thu hoạch, vụ đầu sản lượng măng 143 tấn, đạt giá trị thu trên 500 triệu đồng. Cây tre măng Bát độ đã và đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương.
Cùng với phát triển cây lương thực, cây lâm nghiệp, xã còn đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đã phát triển mới 12 cơ sở chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm với quy mô tập trung. Thành lập 1 hợp tác xã, 19 tổ hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi - trồng trọt nhằm giúp nông dân khâu nối, tiêu thụ sản phẩm.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm đạt 4.400 tấn, giá trị thu được trong lĩnh vực chăn nuôi đạt trên 86 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2015. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, đã tạo được sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, nhà nhà, người người cùng chung tay đóng góp XDNTM.
Nhờ vậy, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình XDNTM đạt trên 170 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 31 tỷ đồng. Từ chương trình XDNTM diện mạo nông thôn đã đổi thay toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng, đạt trên 33 triệu đồng/người/năm. Kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông, thủy lợi khang trang, sạch đẹp, đồng bộ, đáp ứng cho nhu cầu phát triển.
Có thể khẳng định, trong những năm gần đây, nhất là từ năm 2015 đến nay xã Lương Thịnh đã có bước phát triển khá nhanh và bền vững, đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng lên, niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền tiếp tục được củng cố. Phát huy kết quả đã đạt được, Lương Thịnh phấn đấu trở thành xã phát triển toàn diện vào năm 2025.
Thanh Phúc