Phó Thủ tướng phát lệnh “giải cứu” đường băng 2 sân bay lớn nhất Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/6/2020 | 10:27:36 AM

Sáng nay (29/6), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chính thức khởi công Dự án cải tạo nâng cấp đường cất hạ-cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất theo lệnh khẩn cấp của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.

Ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ GTVT - cho biết: Từ năm 2017 đến nay, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng lớn như A350-900, B787-9, B787-10 nên hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất (HKQT) đã bị xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng. Theo tiêu chuẩn thiết kế, cần phải cải tạo, nâng cấp kết cấu mặt đường cất hạ cánh, đường lăn tại 2 CHKQT này.

"Tình trạng xuống cấp kết cấu mặt đường băng như hiện nay nếu không được cải tạo, nâng cấp kịp thời có thể phải đóng cửa đường băng, dừng khai thác hoạt động bay, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế, đối ngoại của đất nước tại 2 Cảng hàng không cũng như gây mất an toàn, an ninh hoạt động hàng không” - Thứ trưởng Bộ GTVT nêu rõ.

Ngoài ra, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn hiện hữu tại CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất không đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2025 dự kiến đạt đến 44 triệu hành khách/năm đối với CHKQT Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với CHKQT Tân Sơn Nhất. Do vậy, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh việc phải đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hết sức cấp bách.

Tháng 3/2020, Chính phủ đã  thống nhất sử dụng một phần nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2019 để đầu tư dự án cải tạo đường cất hạ cánh và đường lăn các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình vận hành, khai thác là dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Trình tự, thủ tục thực hiện xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp.

Đối với dự án Cảng HKQT Nội Bài, tổng mức đầu tư của dự án là 2.031 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.449 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Dự án sẽ cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 11L/29R (1A) có kích thước 3200x45m và đường cất hạ cánh 11R/29L (1B) có kích thước 3800mx45m; xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu (S1, S1A, S2, S3, S4, S5, S5A, S6, S7); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ.

Thời gian thi công theo 2 bước: bước 1 là 6 tháng, đảm bảo khai thác được 3200m đường cất hạ cánh 1B cho máy bay Code C nhằm phục vụ Tết Nguyên đán năm 2021. Bước 2 là 12 tháng, bàn giao đưa công trình vào khai thác trước tết nguyên đán năm 2022.

Đối với dự án Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, tổng mức đầu tư của dự án là 2.015 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.443 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thời gian thi công theo 2 bước: Bước 1 là 6 tháng, bước 2 là 14 tháng khởi công vào cuối tháng 6/2020 và hoàn thành vào cuối năm 2021.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L; xây dựng các đường lăn thoát nhanh (W2A, W4A), đường lăn song song (W11A); xây dựng, cải tạo, nâng cấp các đoạn đường lăn nối (N1, W3, W5, W5A, W7, W9); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ.

Tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh Cảng CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất là 2 cảng hàng không cửa ngõ lớn nhất của cả nước, có vai trò rất quan trọng trong việc giao thương trong nước và quốc tế, phục vụ các hoạt động chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TPHCM nói riêng, cả nước nói chung.

Theo Phó Thủ tướng, sau khi được nâng cấp, cải tạo, hệ thống đường cất-hạ cánh, đường lăn tại 2 cảng hàng không này sẽ góp phần nâng cao năng lực khai thác, đáp ứng việc cất-hạ cánh cho các loại tàu bay thế hệ mới như A350-900, B787-9, B787-10 với tải trọng lớn, đảm bảo an toàn khai thác và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh - quốc phòng. Dự án cũng cụ thể hóa nhu cầu phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng hàng không, là nền tảng vững chắc để phát triển ngành hàng không cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó Thủ tướng cho biết dự án được thực hiện theo hình thức vừa khai thác vừa thi công nên đại diện chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công phải thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện Dự án; thực hiện đúng các mục tiêu, nhiệm vụ đã được phê duyệt trong dự án.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công phải thực hiện đúng các cam kết của mình đã được xác định, quy định trong hợp đồng; áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, máy móc, trang thiết bị phù hợp với yêu cầu về kỹ thuật của dự án; xây dựng các giải pháp thi công hợp lý để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc xây dựng công trình đảm bảo tuyệt đối yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng.

Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng phương án khai thác, điều hành hoạt động bay tại 2 cảng hàng không trong quá trình triển khai thực hiện các dự án một cách khoa học, đảm bảo an toàn, an ninh hàng không; trong đó phải tính đến các phương án khi có tình huống khẩn nguy.

Đại diện chủ đầu tư phải xây dựng quy trình kỹ thuật, bố trí đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu về quản lý, trình độ chuyên môn phù hợp;  phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn để đảm bảo chuyển giao, vận hành công trình an toàn, thông suốt và hiệu quả.

Các địa phương, cơ quan, đơn vị trong khu vực dự án cần phối hợp chặt chẽ, giám sát đại diện chủ đầu tư và các nhà thầu thi công trong quá trình thực hiện dự án, đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ môi trường.

Đại diện chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và cam kết sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị, huy động đầy đủ nhân lực, máy móc thiết bị và các nguồn lực liên quan theo đúng các điều kiện của hợp đồng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện, tổ chức thi công, hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ theo đúng tiến độ, chất lượng và mục tiêu đã đề ra.

(Theo Dân Trí)

Các tin khác
Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai Trường Hải

Ngày 28-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP về giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước.

Bưởi Đại Minh là sản phẩm chủ lực, có tiềm năng, lợi thế của huyện.

Trên cơ sở các dự án của tỉnh, Yên Bình đã thẩm định, lựa chọn triển khai thực hiện 5 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, với tổng kinh phí được cấp năm 2020 trên 11 tỷ đồng.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Trấn Yên cùng các đơn vị thi công làm lễ động thổ công trình

Trong không khí thi đua lập thành tích chào mừng 120 năm Ngày thành lập tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và chào mừng Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, sáng 28/6, UBND huyện Trấn Yên đã tổ chức lễ khởi công công trình cải tạo, nâng cấp tuyến đường Vân Hội – Quân Khê.

Bộ Công Thương yêu cầu kiểm tra lại hóa đơn điện tăng từ 30%. Ảnh minh họa.

Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải rà soát, phúc tra với khách hàng có lượng điện sử dụng tăng từ 30% trở lên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục