Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, phát huy những kết quả đạt được trong những năm trước, nhiệm kỳ qua, huyện Văn Chấn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và những chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh, Văn Chấn đã tiến hành quy hoạch đất đai, phân vùng sản xuất và xây dựng các đề án hỗ trợ nông dân. Trong đó, tập trung khuyến khích phát triển diện tích cây quế, cây ăn quả có múi, chè Shan vùng cao và hỗ trợ nhân dân chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả.
Cùng với tích cực chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương hướng dẫn và vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản xuất nông sản sạch, tăng cường liên kết, hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất tập trung nâng cao giá trị sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ các sản phẩm…, huyện hết sức quan tâm đào tạo cho nông dân, thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm.
Đến hết nhiệm kỳ, Văn Chấn đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa có quy mô và sản lượng lớn như: vùng lúa chất lượng cao 1.200 ha; vùng lúa nếp Tú Lệ 100 ha, sản lượng 450 tấn/năm; vùng cây ăn quả có múi 2.000 ha, sản lượng 10.000 tấn/năm; vùng quế 8.400 ha, sản lượng vỏ quế tươi trên 7.500 tấn/năm; vùng chè nguyên liệu 4.950 ha, sản lượng chè búp tươi 54.000 tấn/năm (trong đó, chè Shan vùng cao 1.500 ha, sản lượng 6.500 tấn/năm); đàn gia súc chính 143.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6.800 tấn/năm, đạt 129,3% mục tiêu Đại hội.
Một số loại cây trồng mới được đưa vào sản xuất, thu được kết quả bước đầu tích cực và có triển vọng phát triển như: chanh leo 20 ha, dâu tằm 50 ha, dược liệu 40 ha, bưởi da xanh 50 ha, na Thái Lan, Đài Loan 12,5 ha.
Đồng thời, hình thành được các chuỗi sản phẩm: cam, chè, cây dược liệu; thực hiện được chỉ dẫn địa lý gạo nếp Tú Lệ, ba ba gai Văn Chấn, nhãn hiệu tập thể cam Văn Chấn; có 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực được chứng nhận sản phẩm OCOP là: tuyết Sơn trà, nếp Tú Lệ, gạo Séng cù, chè Shan, cam, mật ong. Nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của huyện đưa vào bán tại các cửa hàng của hệ thống siêu thị Vinmart và VinMart+...
Từ tái cơ cấu nông nghiệp, giá trị sản xuất trồng trọt bình quân của Văn Chấn tăng cao, đạt trên 70 triệu đồng/ha/năm, tăng trên 18 triệu đồng/ha so với năm 2015; nhiều diện tích canh tác cho thu nhập đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha. Đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp thủy sản của huyện (theo giá so sánh 2010) đạt 1.813 tỷ đồng, tăng 607 tỷ đồng so với năm 2015.
Gắn tái cơ cấu nông nghiệp với Chương trình xây dựng NTM, huyện đã huy động tất cả các nguồn vốn và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó phát huy vai trò chủ thể của người dân với cách làm sáng tạo phù hợp.
Đến hết năm 2020, 11 xã đạt chuẩn NTM (trong đó, có 2 xã đặc biệt khó khăn), vượt 3,6 lần so với mục tiêu Đại hội. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 39,5% năm 2015 xuống còn 10,7% năm 2020, trung bình giảm 5,76%/năm, cao hơn 1,76%/năm so với mục tiêu Đại hội. Diện mạo nông thôn Văn Chấn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, từng bước trở thành những miền quê đáng sống.
Với mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: tối đa hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp là trụ cột, gắn với xây dựng NTM bền vững; đưa giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt 1.500 tỷ đồng; có thêm 10 xã đạt tiêu chí NTM, 4 xã đạt tiêu chí NTM nâng cao, 3 xã đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu; đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng trở lên; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia) giảm bình quân trên 5%/năm…
Nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất dựa trên phát huy tối đa thế mạnh của từng vùng; tăng cường thực hiện các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả các thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản của huyện; nhân rộng mô hình thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Văn Chấn phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 4 chỉ dẫn địa lý, trên 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; hình thành 5 chuỗi sản phẩm chủ lực của huyện; đưa một số mô hình mới, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phù hợp với điều kiện vùng, miền của huyện vào sản xuất và nhân rộng... Đồng thời, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM theo hướng gắn với đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Nguyễn Đình