Trước đây, mỗi khi nhắc tới các xã: Nà Hẩu, Mỏ Vàng, huyện Văn Yên; Sùng Đô, Nậm Mười, huyện Văn Chấn; Tân Phượng, An Phú, huyện Lục Yên hay các xã của 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải… ai cũng ái ngại bởi đường sá khó khăn, hiểm trở.
Thế nhưng, từ khi đề án phát triển GTNT được xây dựng và đưa vào triển khai đã tạo nên những đột phá trong phát triển GTNT. Tùy vào điều kiện thực tế, mỗi địa phương đã có những cách làm riêng nhưng đều tập trung tuyên truyền, vận động hướng đến sự tham gia đóng góp và giám sát của nhân dân.
Nhờ đó, mỗi con đường khi được triển khai xây dựng đều nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân và tổ chức, đoàn thể, tạo nên một phong trào làm đường GTNT rộng khắp. Từ các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình đến các huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, người dân hăng hái tham gia làm đường GTNT.
Thậm chí, ở huyện Mù Cang Chải, ngay cả khi không có sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân vẫn tự góp công, góp sức để kiên cố hóa đường thôn, bản nhằm phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế. Cứ thế, mỗi năm có hàng trăm ki - lô - mét đường GTNT được mở rộng, kiên cố hóa.
Ông Vũ Tiến Đức - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Bước tiến trong phát triển GTNT ở Mù Cang Chải không phải là số ki-lô-mét được mở mới, được kiên cố hóa mà là những chuyển biến trong nhận thức của người dân nơi đây. Không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, giờ đây người dân Mù Cang Chải đã tự góp tiền của, công sức để kiên cố hóa đường GTNT”.
Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã huy động trên 4.156 tỷ đồng cho phát triển GTNT; trong đó, vốn Nhà nước trên 2.441 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp trên 805 tỷ đồng, vốn hợp pháp khác trên 908 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn trên, toàn tỉnh đã kiên cố hóa 2.216,30 km mặt đường bê tông, mở mới 2.130,22 km đường đất, xây dựng 2.456 công trình thoát nước và 72 cầu dân sinh; trong đó, 1.056,22 km mặt đường bê tông xi măng, 1.315,70 km đường đất, 857 công trình thoát nước được thực hiện theo đề án phát triển GTNT.
Ông Bùi Danh Tú - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: "Trong quá trình xây dựng hệ thống đường GTNT, các địa phương đã huy động được một nguồn lực rất lớn từ nhân dân thông qua việc đóng góp công lao động, vật liệu, tiền... Sự đóng góp thiết thực đó, đã tạo động lực phát triển hệ thống GTNT, góp phần cho nhân dân đi lại thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.
Giao thông phát triển đồng nghĩa với sự thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương. Bởi lẽ, đường thôn, bản nối đường xã, đường xã vào đường huyện, đường tỉnh và nối liền với quốc lộ và các tỉnh lân cận tạo thành một mạng lưới liên hoàn khép kín. Nhờ đó, kinh tế - xã hội có bước phát triển ổn định, tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng.
Kết thúc năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh đạt 7,03% (cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ), hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch 30/32 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 23 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Trong năm, đã có 12.548 hộ thoát nghèo, vượt 5,7% kế hoạch. Sự tăng trưởng, phát triển này, có sự đóng góp không nhỏ của mạng lưới giao thông, nhất là hệ thống GTNT.
Có thể nói, những thành tựu đạt được trong phát triển GTNT thực sự là bước đột phá cả trong chủ trương, chính sách của các cấp chính quyền đến ý thức, nhận thức của người dân trong phát triển hệ thống GTNT. Những đột phá trong phát triển GTNT đã mang lại những đổi thay rõ nét, sự phát triển về mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội ở mỗi miền quê.
Hùng Cường