Đến huyện vùng cao Mù Cang Chải hôm nay không chỉ cảm nhận được "bức tranh no ấm của đồng bào Mông” từ việc sản xuất ruộng bậc thang 2 vụ lúa, chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi mà còn được chứng kiến người dân ở đây đã và đang sản xuất ra nhiều sản phẩm đặc sản của địa phương, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Dẫn chúng tôi đi thăm những ruộng bậc thang tại xã Chế Cu Nha đang vào mùa nước đổ, đồng chí Phạm Tiến Lâm – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải chia sẻ: Chúng tôi là những cán bộ làm trong ngành nông nghiệp huyện đã nhiều năm, thấy bà con tích cực chuyển đổi tư duy trong sản xuất, chăn nuôi ai cũng rất mừng. Trước đây, đồng bào Mông chủ yếu sản xuất 1 vụ lúa, không đủ lương thực ăn, vào lúc giáp hạt vẫn phải xin gạo cứu đói của Nhà nước. Vụ xuân năm 2020, nhân dân trong huyện gieo cấy đạt 1.830 ha, tăng 780 ha so với vụ xuân năm 2015, năng suất đạt 50,8 tạ/ha.
Đến nay, nhân dân trong huyện chuyển đổi trên 1.400 ha lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi. Tổng diện tích trồng cây lương thực có hạt năm 2020 của huyện đạt 11.600 ha, tăng 3.060 ha so với năm 2015.
Lên huyện vùng cao Mù Cang Chải vào dịp cuối tháng 5 đầu tháng 6, hay dịp đầu tháng 10 hằng năm, đến đâu cũng gặp những thửa ruộng bậc thang của đồng bào Mông lúa chín vàng như mật nối tiếp nhau từ xã Nậm Có, Cao Phạ, Púng Luông, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha đến Lao Chải, Khao Mang, Hồ Bốn… tạo nên bức tranh kỳ vĩ.
Trong 5 năm qua, nhân dân khai hoang trên 300 ha ruộng, đưa diện tích ruộng bậc thang toàn huyện đạt trên 4.570 ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2020 của huyện ước đạt trên 45.150 tấn, tăng gần 10.000 tấn so sới năm 2015, lượng lương thực bình quân đạt trên 700 kg/người/năm.
Những năm gần đây, huyện đã tự đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, người dân không phải xin gạo cứu đói của Nhà nước nữa... đồng chí Phạm Tiến Lâm – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải chia sẻ thêm.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong sản xuất nông nghiệp, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện tham mưu xây dựng các đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản của địa phương như: gà đen, lợn đen, sơn tra, mật ong, thảo quả… Xây dựng, hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến nay, đàn lợn đen của huyện phát triển được trên 35.000 con giống lợn địa phương; đàn gia cầm phát triển được gần 200.000 con; trong đó, gà đen địa phương trên 50.000 con. Nhiều hộ chăn nuôi gà đen đã thoát khỏi diện hộ nghèo như hộ anh Vàng A Công ở bản Mý Háng Tâu, xã Púng Luông.
Anh Vàng A Công cho hay: "Năm 2017, gia đình tôi vay vốn ngân hàng nuôi gà đen, quy mô 1.000 con/lứa, sau khi trừ chi phí đi lãi được 100 triệu đồng; năm 2018 và 2019, mỗi năm lãi 130 triệu đồng. Nhờ nuôi gà đen mà gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo, mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt đắt tiền và cho con đi học hành đầy đủ”.
Các sản phẩm khác như: mật ong, sơn tra, thảo quả… cũng phát triển khá nhanh. Hiện nay, đàn ong toàn huyện có trên 5.190 tổ; sản lượng mật ong đạt 25 tấn/năm. Diện tích cây sơn tra có 4.400 ha, trong đó 2.700 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt từ 3.500 – 4.000 tấn/năm. Thảo quả có trên 2.700 ha, trong đó có 1.750 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 4.000 tấn quả tươi/năm…
Huyện đã hình thành vùng sản xuất lúa nếp Tan tại xã Cao Phạ và Nậm Có trên 100 ha; lúa Séng cù tại xã Khao Mang 50 ha… các sản phẩm đặc sản của địa phương đem về nguồn thu nhập mỗi năm cho người dân hàng trăm tỷ đồng.
Cùng với việc chỉ đạo tích cực cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản của địa phương, huyện đã hoàn thành việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông nghiệp và một số chuỗi liên kết giá trị theo hướng sản xuất hàng hóa như: sơn tra, mật ong, gà đen Mù Cang Chải... đưa giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 ước đạt 566 tỷ đồng, tăng 54% so với 2015, vượt 10% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đề ra.
Minh Hằng