Cây tre măng Bát độ được đưa vào trồng tại Yên Bái từ năm 2012, tới nay, tổng diện tích tre măng Bát độ của tỉnh khoảng trên 4.250 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.550 ha (huyện Trấn Yên 1.900 ha, huyện Yên Bình 200 ha, huyện Lục Yên 200 ha, huyện Văn Chấn 150 ha, huyện Văn Yên 100 ha). So với nhiều địa phương trong cả nước đưa vào trồng thử nghiệm, Yên Bái được đánh giá là tỉnh duy nhất có chương trình trồng tre măng Bát độ thành công, có khối lượng sản phẩm lớn trở thành hàng hóa xuất khẩu với sản lượng măng thương phẩm trung bình hàng năm đạt 20.000 tấn.
Hiện nay, Yên Bái có hai đơn vị chính thu mua là Công ty cổ phần Yên Thành và Công ty TNHH Vạn Đạt với sản lượng thu mua chiếm 70% sản lượng toàn tỉnh, còn lại 30% sản lượng măng được tiêu thụ tại các chợ truyền thống trong tỉnh và một số công ty ở các tỉnh khác đến thu mua.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành cho biết: "Để sản xuất ra khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất là các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Công ty đã nỗ lực, cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm măng tre Bát độ; thực hiện nghiêm quy trình sản xuất hữu cơ, đầu tư đúng quy trình từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch và thực hiện chuỗi liên kết "trồng - thu mua - chế biến - xuất khẩu sản phẩm” với một số hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, Công ty đã sản xuất, tiêu thụ 2.220 tấn măng muối và măng khô, doanh thu đạt 2.762.600 USD, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, cải thiện đời sống người dân”.
Từ thực tiễn cũng như tính hiệu quả của cây tre măng Bát độ, cùng với sự đồng hành của các công ty, doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh cũng đã xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm tre măng Bát độ tỉnh Yên Bái; thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm tre măng Bát độ tại huyện Trấn Yên và Văn Yên; triển khai Đề án phát triển tre măng Bát độ... Tuy nhiên, diện tích, năng suất của cây tre măng Bát độ vẫn chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra.
Nguyên nhân là do còn nhiều hộ trồng tre măng Bát độ thực hiện theo phương thức quảng canh, không chăm sóc, thu hoạch sai quy trình, kinh nghiệm chiết cành còn nhiều hạn chế nên nguồn cung ứng giống chưa đảm bảo dẫn đến tỷ lệ cây sống thấp; nhiều hộ chỉ tận dụng đất ven chân đồi, bờ ao, khe suối hoặc trồng xen dưới tán rừng mà chưa trồng quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa…
Với mục tiêu phấn đấu sớm đưa tre măng Bát độ trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, đến năm 2025 toàn tỉnh có khoảng 6.000 ha tre măng Bát độ kinh doanh, tới đây rất cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị và người dân.
Các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả kinh tế của cây tre măng Bát độ đến người dân; tập trung phát triển vùng nguyên liệu; triển khai đại trà, đồng bộ phương pháp nhân giống mới giúp cây măng sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống cao; triển khai hiệu quả các dự án liên kết, các đề án, dự án về phát triển cây tre măng Bát độ đã được tỉnh phê duyệt và tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc tre măng Bát độ cho người dân.
Hồng Oanh