Cây quế không chỉ giúp người dân Văn Yên xóa đói giảm nghèo, làm giàu, là "biểu tượng" kinh tế, văn hóa của cộng đồng người Dao, mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và bảo vệ môi trường.
Nằm ở phía Bắc tỉnh Yên Bái, huyện Văn Yên có diện tích tự nhiên trên 139.000 ha; trong đó, đất lâm nghiệp chiếm 75% diện tích. Vùng quế Văn Yên hình thành từ lâu đời và gắn liền với cuộc sống của người Dao.
Tháng 1 năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có quyết định chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên. Như vậy, Văn Yên sở hữu vùng quế lớn nhất nước với giống quế được coi là tốt nhất và là sản phẩm thứ 16 trên toàn quốc được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.
Từ khi được nhận văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước của cây quế Văn Yên đã được nâng cao, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, tạo thương hiệu bền vững cho sản phẩm quế Văn Yên đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, ngoài nước như thị trường Mỹ, Hà Lan, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Âu.
Theo UBND huyện Văn Yên, đến năm 2020, diện tích quế toàn huyện đạt trên 40.000 ha có hơn 50 loại sản phẩm được sản xuất từ vỏ quế, sản lượng quế vỏ khô hàng năm đạt trên 6.000 tấn, tinh dầu quế trên 300 tấn, thân cây quế được sử dụng trong chế biến gỗ bao bì, ván bóc và đồ mộc gia dụng, giá trị trung bình hàng năm từ sản phẩm quế đạt trên 700 tỷ đồng.
Mới đây, Vương quốc Thái Lan đã quyết định bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ Văn Yên tại Thái Lan. Đây là điều hiếm thấy trên thế giới, một quốc gia khác bảo hộ sản phẩm của Việt Nam trên đất nước họ. Điều đó đã khẳng định chất lượng sản phẩm quế Văn Yên nổi tiếng bên ngoài lãnh thổ.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quế vẫn còn những khó khăn, tồn tại do người dân chưa được đào tạo, hướng dẫn sâu về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế, vẫn còn hiện tượng trồng quế với mật độ quá dày (trên 1 vạn cây/ha)…; chí phí sản xuất sản phẩm quế còn cao, việc khai thác quế chưa hợp lý, phần lớn sản phẩm vỏ quế là xuất thô chưa qua chế biến; giá trị và thị trường tiêu thụ sản phẩm tinh dầu quế không ổn định...
Để Văn Yên trở thành trung tâm trọng điểm về sản xuất, chế biến các sản phẩm quế, huyện cần phát triển diện tích quế đạt khoảng 60.000 ha, trong đó sản xuất quế hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế trên 35.000 ha.
Để làm được, cần tiếp tục rà soát, quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu quế tập trung, nhất là tại các xã trọng điểm; tăng cường đào tạo, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại quế.
Tiến hành khai thác, chặt tỉa quế một cách hợp lý, khoa học, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong sản xuất hàng hóa, phát triển cây quế theo hướng thâm canh, sản xuất sản phẩm quế sạch an toàn, đồng thời rà soát, thử nghiệm, nhân rộng diện tích quế hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất lâm nghiệp quy mô lớn ở những địa bàn thích hợp, hỗ trợ nhân dân liên kết thành lập hợp tác xã.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế; tiếp tục có chính sách hỗ trợ người dân bảo tồn những cây quế to, đẹp nhằm giữ nguồn gen giống quế chất lượng tốt của Văn Yên.
Quang Thiều