Trong đó, rừng trồng phòng hộ 880,7 ha; rừng trồng sản xuất 253,3 ha; rừng tự nhiên phòng hộ 1.191,6 ha, còn lại là rừng đặc dụng và rừng tự nhiên sản xuất. Diện tích các loại rừng được phân bổ ở các bản: Nả Háng Tủa Chử; Mý Háng Tủa Chử; Háng Cơ Bua; Nả Háng Tâu; Mý Háng Tâu…
Để quản lý, bảo vệ diện tích rừng trên địa bàn, Đảng ủy xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của xã phối hợp với bí thư các chi bộ, trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, tổ chức họp bản tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng của rừng đối với đời sống con người và tác hại của nạn phá rừng làm ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng.
Ông Lý A Dê - Trưởng bản Mý Háng Tâu trao đổi: "Tổ bảo vệ rừng bản Mý Háng Tâu do mình làm tổ trưởng, hiện có 70 hộ dân tham gia ký hợp đồng với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mù Cang Chải nhận khoán quản lý, bảo vệ trên 280 ha rừng trồng phòng hộ chủ yếu là cây thông từ 30 – 40 năm tuổi.
Để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng nhận khoán với Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện, tôi đã phân công cho các thành viên trong tổ luân phiên tuần tra cố định 3 lần/tháng và tổ chức tuần tra đột xuất từ 2 – 3 lần trên toàn bộ diện tích 280 ha rừng phòng hộ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng vào rừng khai thác lâm sản trái phép, sản xuất nương rẫy trái phép.
Mỗi lần đi tuần tra, các thành viên trong tổ đều cử người ghi chép đầy đủ diễn biến tài nguyên rừng, đồng thời lập biên bản các đối tượng sản xuất nương rẫy trái phép gửi lên UBND xã và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mù Cang Chải xử lý theo quy định của pháp luật...”.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân trong bản tham gia QLBVR - PCCCR nên trong suốt 10 năm qua, diện tích 280 ha rừng phòng hộ do Trưởng bản Lý A Dê làm tổ trưởng được quản lý, bảo vệ tốt, không để xảy ra một vụ cháy rừng nào.
Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (QLBVR – PCCCR) được triển khai đồng bộ tại 8 bản trong xã, khi bước vào đầu mùa khô hanh hàng năm, UBND xã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác QLBVR – PCCCR, kiện toàn ban chỉ đạo xã và 8 tổ, đội PCCCR tại các bản, xây dựng, triển khai công tác PCCCR theo phương châm "4 tại chỗ”, quyết tâm không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn.
Đồng thời, chỉ đạo các chi bộ, trưởng bản tổ chức họp tuyên truyền tại 8 bản về công tác QLBVR – PCCCR trong mùa khô hanh, ký cam kết với trên 600 hộ dân trong xã không vi phạm các quy định về PCCCR.
Trong thời gian nắng nóng cao điểm, thời tiết khô hanh từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm, xã chỉ đạo các tổ, đội xung kích tại các bản trực 24/24 giờ để làm nhiệm vụ PCCCR; tổ chức tuần tra tại các khu vực trọng điểm gần nơi sản xuất nương rẫy của người dân, kiên quyết không để người dân mang lửa vào rừng và sản xuất nương rẫy trong những ngày nắng nóng.
Trong mùa khô hanh năm 2018 – 2019, qua công tác tuần tra, các tổ, đội xung kích của xã đã phát hiện 3 vụ sản xuất nương rẫy trong những ngày thời tiết nắng nóng, kịp thời lập biên bản chuyển UBND xử phạt hành chính 3 triệu đồng. Trong mùa khô năm 2019 – 2020, trên địa bàn xã không xảy ra một vụ sản xuất nương rẫy trái phép nào, người dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR.
Nhờ làm tốt công tác QLBVR – PCCCR nên trong những năm gần đây trên địa bàn xã Púng Luông không để xảy ra một vụ cháy rừng nào, diện tích rừng trồng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên phòng hộ, rừng tự nhiên sản xuất… được quản lý, bảo vệ tốt.
Cao Chính