Để sản phẩm OCOP Yên Bái vươn xa

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/7/2020 | 11:14:03 AM

YênBái - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được tỉnh Yên Bái triển khai từ năm 2018 đã tạo ra bước tiến mới, mang tính “bước ngoặt” trong sản xuất, góp phần đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo, giúp nhiều hộ dân làm giàu và các địa phương hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên cũng bộc lộ một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Giới thiệu sản phẩm Tuyết Sơn Trà của HTX Chè Suối Giàng.
Giới thiệu sản phẩm Tuyết Sơn Trà của HTX Chè Suối Giàng.

Huyện Văn Chấn có diện tích chè chiếm 1/3 tổng diện tích chè của tỉnh với hơn 4.680 ha chè các loại, trong đó có 1.300 ha chè Shan tuyết. Tại xã Suối Giàng, chè cổ thụ Shan tuyết hiện khoảng 423 ha, trong đó có 40.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ độ tuổi từ 100 năm trở lên, được xếp trong tốp sáu giống chè thủy tổ của thế giới. Do là chè hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt từ 400 - 500 tấn. 

Trước đây, vùng chè Suối Giàng được giao cho một công ty chè của tỉnh quản lý và khai thác, sản phẩm đã có thương hiệu, nhưng đầu những năm 2000, việc trộn nguyên liệu chè Shan tuyết với chè trung du để tăng sản lượng, dẫn đến chất lượng kém, không tiêu thụ được. Giá thu mua chè từ 5.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg, người Mông nơi đây quay lưng với cây chè. 

Năm 2008, Hợp tác xã (HTX) Chè Suối Giàng được thành lập, mong muốn ban đầu là thu mua chè cho đồng bào, không để người dân phá chè trồng ngô. Chị Lâm Thị Kim Thoa - Giám đốc HTX cho biết, trải qua rất nhiều thăng trầm, đến nay HTX tăng thành viên lên 15 người, trong đó 85% là người dân tộc Mông. HTX vận động các hộ dân có diện tích thu hái chè gia nhập HTX, thuyết phục các hộ thành viên và người dân trong xã bảo tồn rừng chè cổ thụ Suối Giàng, thu hái chè đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. 

Tháng 5/2013 nhãn hiệu chè Suối Giàng - Yên Bái được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận cho thương hiệu "Tuyết Sơn Trà”. 

Đến nay, HTX đã có 6 loại sản phẩm mang tên "Tuyết Sơn Trà” có chất lượng tốt, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Năm 2019, được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt bốn sao. Nhờ đó, người Mông nơi đây thu hái được hơn 500 tấn búp tươi, giá trị hơn 10 tỷ đồng/năm, nhiều hộ làm được nhà mới, mua ti vi, xe máy, đời sống ngày càng nâng lên.

Yên Bái có cánh đồng Mường Lò 3.000 ha, đứng thứ hai vùng Tây Bắc về diện tích. Nằm lọt giữa các dãy núi cao, có dòng Nậm Thia điều tiết nước, cánh đồng Mường Lò trải dài no nắng, no nước là điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng tốt.

 Năm 2009, Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nông - lâm sản TND do chị Phạm Thị Đông làm Giám đốc được thành lập đã liên kết với 671 hộ nông dân sản xuất lúa Séng cù trên diện tích 30 ha tại xã Nghĩa Lợi, Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ. Vụ mùa 2020, tiếp tục liên kết với hơn 1.000 hộ dân ở xã Phù Nham, Thạch Lương với diện tích 60 ha lúa. 

Năm 2019, gạo Séng cù Mường Lò đạt sản phẩm OCOP đạt hạng ba sao, Công ty sản xuất được 100 tấn thóc, phân phối ra thị trường 70 tấn gạo, giá gạo tại địa phương là 30.000 đồng/kg, doanh số 2,1 tỷ đồng. Số lượng này chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người tiêu dùng khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, hiện sản phẩm có mặt tại các siêu thị lớn, được người tiêu dùng đón nhận. 

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi Lường Văn Hà phấn khởi: "Trước năm 2017, xã mình thuộc diện 135, chỉ trông chờ vào hai vụ lúa, các ngành nghề khác không phát triển. Nay xã đạt chuẩn nông thôn mới, gần 30 hộ làm du lịch cộng đồng, mở các ngành nghề phụ và thâm canh cây lúa, trong đó giống Séng cù cho giá trị cao, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 33 triệu đồng/năm”. 

Nằm ở phía Bắc tỉnh Yên Bái, huyện Văn Yên có thổ nhưỡng phù hợp với sinh trưởng của cây quế. Mùa xuân hằng năm, người dân các xã trong huyện trồng mới từ 1.500 đến 1.600 ha. Cây quế đã được trồng tại 24 xã với diện tích hơn 40.000 ha. Ngoài duy trì diện tích, sản lượng quế, khai thác phù hợp, Văn Yên có chính sách hợp lý tạo điều kiện cho HTX, doanh nghiệp, doanh nhân trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm về quế. 

Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát do chị Nguyễn Thị Kim Thoa làm Giám đốc chuyên sản xuất các sản phẩm nước lau sàn và nước rửa chén từ tinh dầu quế. Ban đầu, chị Thoa sản xuất trà quế từ hương quế và cỏ ngọt, vốn là loại cỏ có độ ngọt cao nhưng không có năng lượng, dùng hỗ trợ điều trị tiểu đường, huyết áp cao, mỡ máu, là thành phần ăn kiêng của người béo phì. 

Năm 2019, Công ty chuyển sang sản xuất nước lau sàn và nước rửa chén, là sản phẩm có hương thơm dễ chịu, diệt khuẩn, an toàn cao vì không sử dụng hóa chất, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt ba sao, tạo ra việc làm tại chỗ cho 15 công nhân, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, hết năm 2020, Công ty sản xuất đạt 100 tấn sản phẩm, doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng. 

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Chung, Văn Yên đã xây dựng được 6 chuỗi giá trị, 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, tập trung vào sản phẩm chủ lực, đặc sản, hữu cơ như cá tầm nước lạnh Nà Hẩu; thuốc tắm người Dao đỏ Viễn Sơn; trà thảo mộc, nước lau sàn Quế Phát… Hết năm 2020, huyện sẽ đề nghị UBND tỉnh công nhận. 

Từ các sản phẩm độc đáo trên, người Dao ở Văn Yên có điều kiện làm kinh tế thoát nghèo, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm bình quân 6,08%, mỗi năm giải quyết được hơn 2.000 việc làm mới. 

Tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, sản phẩm quế điếu thuốc đạt sản phẩm OCOP hạng bốn sao, được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Nhật Bản, Ấn Độ. HTX đã đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, ứng dụng công nghệ  tiên tiến vào chế biến, tạo ra 12 loại sản phẩm quế chất lượng cao, với các mặt hàng chủ lực như quế điếu thuốc, quế ống, quế tăm, quế bột, tinh dầu quế… có sức cạnh tranh mạnh và giá bán ổn định. 



Sản xuất nước lau sàn tại Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát. 

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến, HTX xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm quế hữu cơ có tổng diện tích trên 14.000 m2, công suất từ 80 - 100 tấn quế tươi/tháng, vốn đầu tư 80 tỷ đồng với dây chuyền máy móc hiện đại thực hiện các khâu chế biến quế. Sau hơn hai năm liên kết với nông dân, diện tích quế hữu cơ bản từ 1,5 ha đã tăng lên hơn 500 ha, sản phẩm của người dân được HTX bao tiêu toàn bộ và tăng 20% so với giá thị trường. Tuy nhiên, chương trình OCOP của Yên Bái còn có nhiều khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khánh thì nhận thức của đồng bào các dân tộc nhiều nơi còn hạn chế, nguồn lực phục vụ cho chương trình chưa tương xứng, có nơi chính quyền chưa thấy được lợi thế của sản phẩm đặc trưng từng vùng miền, thậm chí coi đây là việc của cấp tỉnh hay riêng của ngành nông nghiệp. 

Vì triển khai muộn, năm 2019, tỉnh mới có 8 sản phẩm OCOP, gồm 3 sản phẩm đạt bốn sao (Tuyết Sơn Trà huyện Văn Chấn, Quế điếu thuốc huyện Trấn Yên, Bưởi Đại Minh huyện Yên Bình); 5 sản phẩm đạt ba sao (trà Bát tiên huyện Trấn Yên; gạo Séng cù thị xã Nghĩa Lộ; miến đao Giới Phiên, thành phố Yên Bái; nước lau sàn và nước rửa chén, huyện Văn Yên). 

Một vấn đề nữa là các đề án sử dụng ngân sách Nhà nước nhưng khó thực hiện ở cơ sở. Ví dụ: Đề án phát triển cây chè Shan vùng cao với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ha trồng mới, hỗ trợ công làm thực bì 2 triệu đồng/ha, nhưng với yêu cầu về diện tích thực hiện phải bảo đảm 0,5 ha trở lên với hộ gia đình, 3 ha trở lên với nhóm hộ thực tế là khó khả thi vì không có quỹ đất rộng và tập trung. Do mức đầu tư lớn, các hộ tham gia Đề án đa phần còn gặp khó khăn về kinh tế… 

Trong khi đó, việc đưa sản phẩm OCOP ra thị trường còn khó khăn trong khâu quảng bá thương hiệu; một số sản phẩm mẫu mã thiết kế đơn giản, dễ bị làm nhái, làm giả; các doanh nghiệp, HTX có sản phẩm công nhận đạt OCOP năng lực tài chính hạn hẹp, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của sản phẩm địa phương mình tạo dựng.  

Năm 2020, Yên Bái xác định chủ thể và tên 70 sản phẩm để đạt chuẩn OCOP, trong khi đó các huyện đăng ký lên tới 87 sản phẩm. Đây là điều kiện tốt để vừa gắn tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở miền núi, vừa tạo ra các sản phẩm hữu ích, đặc trưng, có giá trị kinh tế cao, đem lại lợi ích cho người dân, cho từng địa phương có lợi thế như cam sành, khoai tím, cá bỗng, gà trống thiến, vịt bầu của Lục Yên; tre măng Bát độ, kén tơ tằm, gạo nếp tan Tú Lệ, sơn tra, mật ong Mù Cang Chải… 

Nếu làm tốt việc kết hợp với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, các điểm tắm khoáng nóng đang được hoàn thiện và đưa vào khai thác, các sản phẩm OCOP của Yên Bái sẽ đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân địa phương, góp phần đẩy nhanh cái nghèo, cái đói lùi xa. 

Mỹ Sinh

Các tin khác
Cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mù Cang Chải và các thành viên Tổ bảo vệ rừng bản Mý Háng Tâu kiểm tra rừng phòng hộ.

Xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải là địa phương có diện tích rừng khá lớn của huyện với trên 3.430 ha.

Giá vàng trong nước tiếp tục đà tăng.

Giá vàng SJC hiện đang bán ra ở mức 50,75 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới giảm nhẹ về mức 1.807 USD/oz.

Công nhân Công ty TNHH Tân Tiến sản xuất chế biến quặng cầu viên.

Hiện nay, toàn huyện Trấn Yên có 448 cơ sở, gồm 100 doanh nghiệp, 10 hợp tác xã, 338 hộ kinh doanh cá thể, thu hút và tạo việc làm cho trên 2.800 lao động có thu nhập ổn định.

Năm 2019 - 2020, Công ty cổ phần Nghiên cứu ứng dụng dịch vụ khoa học công nghệ T&T sẽ có nguồn thu khoảng 15 tỷ đồng.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Yên Bình đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục