1. Chọn bò, bê để vỗ béo:
bò già, gầy yếu không sử dụng cày kéo, vắt sữa, sinh sản; bê gầy đưa vào vỗ béo ngay sau khi cai sữa.
- Lưu ý: những con bò, bê đưa vào vỗ béo phải nhanh nhẹn, phàm ăn, không bị dịch bệnh, thương tật.
2. Kỹ thuật vỗ béo:
- Yêu cầu chung về chuồng trại:
Chuồng nuôi vỗ béo bò thịt cần cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, cần có phên che chống nắng, chống rét, trồng cây xanh, dây leo chống nóng cho bò. Quá trình nuôi luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, định kỳ tẩy uế chuồng nuôi bằng các dung dịch: vôi bột, nước vôi 5 -10%, dung dịch lodin 5%, dung dịch Creziyl 3%. Có máng ăn, máng uống phù hợp tùy theo số lượng bò nuôi vỗ béo.
- Chuẩn bị về thức ăn:
Chuẩn bị thức ăn thô xanh: vụ xuân - hè điều kiện khí hậu thuận lợi cho phát triển thức ăn thô xanh và đây là nguồn thức ăn chính của bò. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cần tập chung chăm sóc tốt diện tích cỏ đã có và trồng mới một số loại cỏ có giá trị dinh dưỡng cao như cỏ VA06, cỏ Ghi - nê, cỏ voi…
Chuẩn bị thức ăn hỗn hợp: để vỗ béo bò, bê đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật, ngoài thức ăn thô xanh cần có lượng thức ăn tinh bổ sung vỗ béo bò, bê. Do vậy, cần tận thu các sản phẩm phụ nông nghiệp của gia đình gồm; cám ngô; sắn; thức ăn hỗn hợp khác làm thức ăn bổ sung cho bò, bê và cần lưu ý một số nội dung sau:
Để có thể đủ lượng thức ăn xanh cho 4 - 5 con bò vỗ béo trong thời gian từ 60 - 70 ngày thì trung bình cần trồng 360 - 500 m2 cỏ voi, cỏ VA06, cỏ Ghi-nê… trước khi nuôi vỗ béo bò.
Vụ thu - đông thời tiết hanh khô, dẫn đến thức ăn thô xanh giảm mạnh; do vậy, trước mùa đông cần dự trữ thức ăn cho bò bằng cách tận thu rơm, thân cây ngô, cỏ các loại phơi khô, ủ rơm với urê, ủ chua… trước khi nuôi vỗ béo từ 20 - 30 ngày.
Chú ý: Thức ăn thô xanh gồm cỏ tự nhiên, cỏ voi, cỏ VA06, thân lạc, thân lá ngô, thân chuối. Thức ăn tinh gồm cám ngô, cám sắn, bã rượu, cám hỗn hợp… và trộn thức ăn tinh theo khẩu phần cùng với cỏ xanh băm nhỏ cho ăn rải đều các bữa trong ngày; rơm, cỏ khô để riêng cho ăn tự do; chia lượng thức ăn làm 3 bữa/ngày. Khoảng 15 - 30 ngày trước khi xuất bán, tăng nhẹ lượng thức ăn tinh cho bò, với lượng 0,5 - 1 kg/con/ngày so với thời gian trước đó, huy động tối đa khả năng tăng trọng của bò.
- Nước uống: cho bò uống nước sạch, không hạn chế, cần pha thêm muối ăn vào nước uống từ 10 - 20 gam/con/ngày đối với bê và 20 - 30 gam/con/ngày đối với bò và bổ sung thêm Bcomplex - khoáng: 2 - 5 gam/con/ngày.
- Chăn thả, vận động: Tùy theo điều kiện của hộ gia đình, mỗi ngày cần chăn thả bò ít nhất 2 - 4 giờ để bò đi vận động và có thời gian để dọn vệ sinh chuồng trại; cần tắm chải cho bò vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ 300C; không chăn thả bò, bê vào những ngày nắng nóng nhiệt độ 350C trở lên, bò, bê dễ bị cảm và chết.
3. Vệ sinh tẩy ký sinh trùng:
Trước khi vỗ béo cho bò cần tiêm phòng vắc - xin tụ huyết trùng; tẩy giun sán, ve, rận, ký sinh trùng… để bò bê sạch bệnh, hấp thu tốt chất dinh dưỡng trong thức ăn, đảm bảo cho tăng trọng nhanh.
+ Đối với ngoại ký sinh trùng:
- Hanmectin - 25: 4ml/50kg thể trọng, tiêm dưới da.
- Hanmectin - 50: 2ml/50kg thể trọng, tiêm dưới da.
- Hantox spray: thuốc chứa trong lọ nhựa 300ml có thể xịt cho bò vào nơi có nhiều ve như gốc đuôi, nách, tai...; không xịt thuốc vào mắt, mũi bò vì sẽ gây độc.
+ Đối với nội ký sinh trùng: sử dụng các loại thuốc có phổ hoạt lực rộng như: Levamisole, Tetramisole điều trị nội ký sinh trùng đường ruột và Dertin B, Han - Dertin B, Fasinex điều trị sán lá gan. Liều lượng: Levamisole 7,5%, dùng 1ml/20kg thể trọng; Fasinex dùng 1 viên /75kg thể trọng.
Ngô Đăng Sỹ (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)