Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Ngành Giao thông vận tải (28/8/1945 - 28/8/2020)

Giao thông nông thôn - Kỳ tích đáng tự hào của Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/8/2020 | 1:54:48 PM

YênBái - Những năm qua, nhân dân nhiều địa phương của tỉnh Yên Bái đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, sức lực để làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, 100% địa phương đã có đường ô tô đến trung tâm xã, giao thông thuận tiện, đi lại được cả trong 4 mùa.

Người dân Yên Bái tích cực làm đường giao thông nông thôn.
Người dân Yên Bái tích cực làm đường giao thông nông thôn.


Có một thời, Yên Bái gặp muôn vàn khó khăn trong phát triển giao thông, nhất là giao thông nông thôn (GTNT), chỉ có khoảng 30% số xã là có đường ô tô đến trung tâm, còn lại là "cuốc bộ". Mỗi khi có việc phải đến những xã vùng cao như: Sùng Đô, Nậm Mười (Văn Chấn); Làng Nhì, Tà Xi Láng (Trạm Tấu); Mồ Dề, Chế Tạo, (Mù Cang Chải); Nà Hẩu, Mỏ Vàng (Văn Yên)…, ai cũng lắc đầu ngao ngán bởi đường khó đi, nguy hiểm, nếu gặp trời mưa thì những nơi đây thành ốc đảo, "nội bất xuất, ngoại bất nhập". 

Cán bộ xã muốn đến huyện phải đi từ mờ sáng cho tới quá trưa mới tới, nhiều xã phải đi cả ngày đường. Vậy mà giờ đây, 100% địa phương đã có đường ô tô đến trung tâm xã, giao thông thuận tiện, đi lại được cả trong 4 mùa. 

Đây thực sự là kỳ tích bởi trong bối cảnh Yên Bái vốn là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, hiểm trở, nguồn lực đầu tư cho giao thông hạn chế, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, Đề án phát triển GTNT được xây dựng và đưa vào triển khai đã tạo đột phá. Tùy điều kiện cụ thể, mỗi địa phương đã có những cách làm riêng để huy động, vận động nhân dân tham gia làm đường nơi có đá thì góp đá, có cát, sỏi thì góp cát, sỏi, góp công đánh đất san nền... 

Trấn Yên là "điểm sáng" trong phong trào xây dựng đường GTNT của tỉnh Yên Bái. Kết quả đó là sự hội tụ của nhiều yếu tố, đặc biệt là việc duy trì cơ chế "kích cầu" và hỗ trợ kỹ thuật. 

Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Địa phương đã huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống đường giao thông, mạng lưới giao thông được đầu tư đồng bộ, kết nối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hệ thống đường GTNT được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đi lại của nhân dân. Nhiệm kỳ qua, trên địa bàn đã được nâng cấp, cải tạo hơn 43 km quốc lộ, tỉnh lộ, 62 km đường do huyện quản lý, 7,8 km đường đô thị thuộc trung tâm thị trấn Cổ Phúc. Ngoài ra, 100% các tuyến đường đến trung tâm các thôn, bản được kiên cố hóa”. 

Trong 5 năm, huyện đã kiên cố hóa 252 km đường giao thông nông thôn, mở mới 13,2 km đường. Nhiều công trình trọng điểm được xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân như: đường nối nút giao IC 12 (đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai) với xã Việt Hồng; đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường Âu Lâu - Quy Mông; đường Hòa Cuông - Tân Hương; đường Kiên Thành - Quy Mông...

Ông Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải phấn khởi: "Những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, sự lãnh đạo và sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, công tác phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả đáng khích lệ bằng cách lồng ghép nguồn vốn các chương trình, đề án, tận dụng nguồn đóng góp của doanh nghiệp và nhân dân để phát triển GTNT gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 

Tính đến hết tháng 7/2020, hệ thống đường GTNT của tỉnh có tổng chiều dài 7.480 km gồm: đường huyện 1.428 km; đường xã 2.160 km; đường thôn, bản, ngõ xóm 3.892 km, nhựa hóa và bê tông hóa 3.369 km; còn lại 4.110 km đường cấp phối và đường đất. Giai đoạn 2016 - 7/2020, toàn tỉnh đã kiên cố hóa 1.399,8 km mặt đường bê tông xi măng; mở mới 213,3 km đường đất; xây dựng 1.612 công trình thoát nước. 

Với chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành, Sở Giao thông - Vận tải đã tham mưu với UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng cho tỉnh Yên Bái 72 cầu dân sinh gồm 13 cầu treo và 59 cầu cứng với tổng mức đầu tư khoảng 169,42 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường GTNT góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông tại các địa phương, giúp người dân đi lại được thuận tiện, an toàn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương".

Có thể khẳng định, những thành tựu mà tỉnh Yên Bái đã đạt được trong phát triển GTNT thực sự đáng được gọi là kỳ tích. GTNT đã mang lại  đổi thay rõ nét, sự phát triển về mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội ở mỗi miền quê. Đó là động lực để chúng ta tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa phong trào làm đường GTNT ngày càng có nhiều tuyến đường nối dài và vươn xa, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.
Quang Thiều

Tags Yên Bái giao thông nông thôn hiến đất đòn bẩy

Các tin khác
Cán bộ Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Yên Bái kiểm tra phương tiện tham gia đăng kiểm.

Với chức năng nhiệm vụ kiểm định xe cơ giới đường bộ, thời gian qua, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Yên Bái không ngừng đầu tư trang thiết bị nâng cấp dây chuyền kiểm định, cải thiện thủ tục hành chính, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ tạo thuận lợi cho người dân.

630.000 tỷ đồng là con số vốn đầu tư công được yêu cầu phải giải ngân hết trong năm 2020. Từ nay đến hết năm chỉ còn hơn 4 tháng nữa là chốt sổ, tuy nhiên, vẫn còn tới 350.000 tỷ đồng vẫn "ách tắc"...

Cửa hàng miễn thuế tại Sân bay quốc tế Nội Bải.

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thống nhất thực hiện quản lý cấp phát và theo dõi tem miễn thuế.

Giá vàng giảm nhẹ đầu giờ sáng 25/8.

Mở cửa phiên sáng 25/8, giá vàng giảm hơn 400.000 đồng/lượng so với chốt phiên liền trước, hiện ở mức 55,05 – 56,10 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục