Gia đình ông Huỳnh Văn Đại ở xã An Bình đã trồng tre măng Bát độ từ nhiều năm qua. Với 5 ha, năm 2019, ông thu trên 40 tấn măng, cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Nhận thấy lợi ích của loại cây này, nên khi có dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (SXTCGT) gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ, ông Đại đăng ký tham gia trồng ngay 2 ha.
Ông chia sẻ: "Đất này trước đây trồng cây ăn quả: nhãn, vải, xoài nhưng luôn trong tình trạng được mùa mất giá. Trong khi trồng tre măng Bát độ ít phải chăm sóc; tham gia dự án còn được hỗ trợ giống, tập huấn trồng đúng quy trình, tạo ra được sản phẩm chất lượng và lại có cam kết bao tiêu sản phẩm với công ty thì chúng tôi quá yên tâm mà sản xuất”.
Được biết, dự án này được triển khai tại 4 xã: An Bình, Tân Hợp, Đông An, Lâm Giang với quy mô trồng mới 60 ha, chăm sóc 30 ha tre măng Bát độ đã cho sản phẩm. Còn dự án phát triển SXTCGT gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh đang thực hiện tại 4 xã: An Bình, Đông An, Lâm Giang, Tân Hợp với tổng diện tích 43,9 ha, 89 hộ tham gia sẽ giúp người dân thay đổi hẳn thói quen, tập quán canh tác theo hướng an toàn ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật.
Theo đó, Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn về công nghệ canh tác với những quy trình kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng thành công ở nhiều vùng bưởi như: bón phân, cắt tỉa, thụ phấn bổ sung, sử dụng các chế phẩm sinh học và phân bón qua lá; cấp phân bón lót, vôi bột để nhân dân bón trước khi trồng và cấp cây bưởi giống đảm bảo chất lượng trồng toàn bộ diện tích 43,9 ha.
Có thể thấy, việc thực hiện các dự án phát triển SXTCGT gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm không chỉ giải quyết tình trạng được mùa mất giá mà còn hình thành tập quán, kỹ thuật canh tác đúng quy trình, đồng bộ cho nông dân.
Từ đó, sẽ hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo sự ổn định trong phát triển nông nghiệp tại địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, tạo niềm tin để nông dân yên tâm sản xuất.
Đây cũng là cách huyện Văn Yên xây dựng các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Bởi vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng các dự án, huyện đã rà soát tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, phát triển nông thôn trên địa bàn; những tiềm năng, thế mạnh của huyện; các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; các đơn vị, cơ sở có đủ năng lực thực hiện để xây dựng phương án SXTCGT.
Đến nay, các dự án đã bước vào giai đoạn đầu bằng việc tập huấn, cung cấp giống cây trồng, nông dân phấn khởi, yên tâm sản xuất theo quy trình dự án.
Tuy nhiên, bên cạnh những dự án đang triển khai rất tốt thì có một vài dự án bị chậm tiến độ bởi nhiều lý do: quá trình thẩm định hồ sơ kéo dài làm chậm tiến độ đối với các dự án liên quan đến thời vụ nên nhiều hộ đã đăng ký thực hiện nhưng phải chuyển sang cây trồng khác; nhiều hạng mục chưa có hướng dẫn chi tiết, gây khó khăn cho cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện dự án; một số đơn vị chủ trì dự án, đơn vị tư vấn thiếu năng lực trong việc triển khai thực hiện làm chậm tiến độ giải ngân kinh phí hỗ trợ…
Ông Đỗ Quang Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên chia sẻ: "Vì đây là chương trình mới nên Phòng với cương vị là đơn vị chủ đầu tư cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể, trình tự các bước để được giải ngân, nội dung và các mức chi của các dự án để UBND huyện làm căn cứ tiếp tục thực hiện dự án với các đơn vị chủ trì dự án; điều chỉnh Hướng dẫn liên sở số 3905/HDLN-TC-NN-KHĐT ngày 18/11/2019 cho phù hợp với các văn bản hiện hành để huyện tiếp tục triển khai thực hiện các dự án liên kết”.
Hoài Anh