Theo ngành nông nghiệp, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông - lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,13%; trong đó, cơ cấu tổng sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2020 đạt 22% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực (trồng trọt chiếm 61,98%, chăn nuôi chiếm 36,95%, dịch vụ nông nghiệp chiếm 1,07%; lâm nghiệp chiếm 26,24%; thủy sản chiếm 4,30%).
Trong đó, thủy sản chiếm 4,30% trong cơ cấu nội ngành là một con số rất ấn tượng, bởi Yên Bái là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, không có quá nhiều lợi thế trong CNTS, nhất là nuôi thâm canh. So sánh cho thấy, nếu như cơ cấu nội ngành nông nghiệp thì thủy sản năm 2015 mới đạt 3,72% thì năm 2019 đã tăng lên 3,92% và dự ước năm 2020 đạt không dưới 4,30%. Giá trị CNTS (theo giá so sánh 2010) năm 2015 đạt 208 tỷ đồng thì dự ước thực hiện năm 2020 đạt 340 tỷ đồng, tăng 132 tỷ đồng, tăng 63,4% so với năm 2015.
Để CNTS phát huy hiệu quả, trước tiên, tỉnh tập trung chuyển đổi cơ cấu giống thủy sản, phát triển thủy sản phù hợp với đối tượng nuôi và phương thức CNTS. Hàng loạt các dự án, đề tài khoa học nghiên cứu các đối tượng giống mới như nuôi thương phẩm cá tầm, cá trắm đen, cá lăng đen, cá rô phi đơn tính, cá chiên, cá diêu hồng… được triển khai.
Cùng đó, việc nuôi cá ao, cá ruộng, nuôi cá lồng cũng phát triển mạnh mẽ trên các sông suối lớn như sông Hồng, sông Chảy, hồ Thác Bà và một số hồ thủy lợi khác. Thực hiện phân vùng phát triển CNTS theo tiềm năng và lợi thế mặt nước của các địa phương.
Đối với các huyện vùng cao - nơi có diện tích nuôi nhỏ, phân tán, tập trung vào phát triển nuôi cá xen lúa như khu vực cánh đồng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn. Các địa phương có lợi thế CNTS trong ao, đầm, hồ chứa của công trình thủy lợi vừa và nhỏ gồm huyện Văn Yên, Trấn Yên. Tập trung nuôi thâm canh ở các ao hồ và các địa phương có hồ chứa lớn gồm huyện Yên Bình, huyện Lục Yên thì phát triển nuôi cá eo ngách ven hồ, nuôi cá lồng và khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản.
Hiện, toàn tỉnh có trên 2.143 lồng chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, cá nheo, cá tầm, cá chiên, diêu hồng, rô phi đơn tính... Thông qua các đề tài, dự án khoa học, các tiến bộ kỹ thuật mới về giống và phương thức nuôi được đổi mới từ chỗ quảng canh năng suất thấp đã có sự đầu tư nuôi thâm canh sử dụng thức ăn công nghiệp với quy mô bình quân từ 1 - 3 ha.
Đặc biệt, phong trào nuôi cá lồng ở các hồ chứa lớn phát triển mạnh mẽ, các hình thức nuôi cá xen lúa cũng được nông dân áp dụng rộng rãi; qua đó, góp phần tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác; sản lượng thủy sản không ngừng tăng lên qua các năm. Nhờ vậy, đến nay, diện tích CNTS và khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt 22.267 ha; trong đó, diện tích CNTS đạt 2.401 ha, tăng 2,75 ha so với năm 2015; sản lượng nuôi và khai thác thủy sản năm 2019 đạt 10.492 tấn, năm 2020 ước đạt trên 11.500 tấn, tăng 5.071 tấn so với năm 2015; số lồng nuôi cá hiện có 2.143 lồng/kế hoạch 2.000 lồng, đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước CNTS năm 2019 đạt 200 triệu đồng/ha, tăng 93,2 triệu đồng so với năm 2015.
Phát huy kết quả đã đạt được, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, giá trị CNTS đạt 500 tỷ đồng và tỷ trọng thủy sản chiếm khoảng 5,14% trong tổng giá trị sản xuất nội ngành nông nghiệp; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước CNTS đạt 250 triệu đồng/ha/năm và đến năm 2030 đạt 300 triệu đồng/ha/năm...
Để đạt mục tiêu đó, tỉnh tiếp tục chuyển đổi phương thức nuôi thâm canh cao, ứng dụng công nghệ cao và phát triển nuôi cá nheo Mỹ, cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng trên hồ Thác Bà. Phát triển đa dạng các hình thức CNTS ở quy mô hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã.
Đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ mới về giống, kỹ thuật nuôi nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước để phát triển CNTS, đẩy mạnh nuôi thâm canh, bán thâm canh, nuôi cá lồng. Phát triển các đối tượng nuôi theo lợi thế như: cá hồi, cá nheo Mỹ, ba ba gai… nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao.
Tổ chức liên kết theo chuỗi từ chăn nuôi, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để nâng quy mô lồng cá nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến.
Với hướng đi, cách làm đó, chắc chắn năm 2020 và những năm tiếp theo CNTS của tỉnh sẽ thực sự phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Thanh Phúc