Để nâng cao nhận thức cho hội viên về phát triển nông nghiệp theo quy hoạch, gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác, hàng năm, Hội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp huyện, tổ chức trên 200 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) cho gần 20.000 lượt hội viên về kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh hại lúa và cây rau màu, phòng chống bệnh cho gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng và chăm sóc chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở 11 lớp dạy nghề cho trên 300 lượt hội viên về nghề sơ chế kén tằm tại xã Hòa Cuông, Việt Thành, Đào Thịnh; sơ chế măng tre Bát độ tại xã Kiên Thành, quản lý và phát triển trang trại tại xã Hưng Thịnh...
Qua đó, diện tích, năng suất, sản lượng lương thực có hạt đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2020, sản lượng chè chất lượng cao toàn huyện đạt 690 tấn; diện tích cây ăn quả có múi 762 ha, sản lượng đạt 105 tấn; trồng mới 62,5 ha cây dâu, nâng tổng diện tích dâu toàn huyện lên 762 ha, sản lượng kén tằm 450 tấn; trồng mới 2.250 ha rừng; trồng mới 212 ha tre măng Bát độ, nâng tổng diện tích toàn huyện lên 3.577 ha; xây dựng vùng quế 6.000 ha, sản lượng vỏ tươi khai thác trên 2.000 tấn...
Để giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, Hội đã đứng ra ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội, tạo điều kiện cho 2.740 hội viên vay vốn với số tiền trên 107 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 386 hội viên vay vốn với số tiền trên 25 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Từ sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, hàng năm, huyện có trên 200 hộ hội viên thoát nghèo bền vững.
Những năm gần đây, nhiều hộ đã áp dụng mô hình chuyển giao KHKT vào hệ thống chuồng tại chăn nuôi như đầu tư hệ thống làm mát, uống nước tự động, xây hầm biogas… để đảm bảo vệ sinh môi trường. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã áp dụng sản xuất theo chương trình VietGAP trong việc bón phân sinh học.
Thực hiện Phong trào "Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhiều hội viên còn đầu tư nhiều mô hình nuôi lợn, gà, trâu, bò với quy mô lớn. Hiện nay, huyện có 4.657 hộ đạt danh hiệu SXKDG, trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 1.440 hộ; chăn nuôi 679 hộ; nuôi trồng thủy sản 196 hộ; lâm nghiệp 1.462 hộ; thương mại - dịch vụ 356 hộ và sản xuất kinh doanh tổng hợp 524 hộ.
Nhiều hộ trước đây đời sống gặp rất nhiều khó khăn nhưng do đổi mới tư duy sáng tạo trong sản xuất, dám nghĩ, dám làm, đến nay, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi như: ông Nguyễn Văn Khát, thôn 4, xã Đào Thịnh; ông Nguyễn Văn Thức, thôn 2, xã Việt Cường; ông Nguyễn Văn Tươm, thôn Yên Định, xã Hưng Thịnh… với mức thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm.
Bà Nguyễn Thị Phương Đông – Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: "Trong 5 năm gần đây, các phong trào thi đua của Hội luôn được đẩy lên cao với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Hội đã vận động hội viên đóng góp trên 150 tỷ đồng và trên 76.000 ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Trong đó, làm mới, sửa chữa 160 km đường liên thôn, xã; xây mới, sửa chữa 102 km kênh mương nội đồng; 70 cầu, cống; 170 hội trường thôn, trạm y tế… Đặc biệt, trên lĩnh vực giảm nghèo từ gần 20% năm 2015, hiện nay giảm xuống còn gần 4%.
Một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc như: Hồng Ca, Hưng Khánh, Kiên Thành… trước đây đời sống của hội viên rất khó khăn nhưng thông qua nhiều chương trình hỗ trợ cây, con giống, làm nhà… nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững với mức thu nhập bình quân hiện nay đạt 30 triệu đồng/người/năm”.
Thạch Phong