Nhắc lại quá trình phòng chống Covid-19 quyết liệt, hiệu quả, Thủ tướng khẳng định chúng ta đã làm đồng bộ, quyết liệt, đưa ra phương châm, cách làm phù hợp, chống dịch như chống giặc, linh hoạt cách phòng chống từng đợt, do đó thực hiện mục tiêu kép thành công.
"Phương thức chỉ đạo rất quan trọng, người dân có ý thức chấp hành lớn. Chúng ta đưa ra phương châm thực hiện mục tiêu kép chống dịch nhưng vẫn lo phát triển kinh tế. Với tinh thần như vậy, chúng ta đã được toàn thế giới đánh giá cao về cách làm” - Thủ tướng khẳng định.
Cho rằng, dịch Covid-19 vẫn phức tạp, không thể chủ quan vì châu Âu đang tiếp tục đóng cửa nhiều thủ đô, Thủ tướng lưu ý, nếu chủ quan sẽ mắc sai lầm. "Chúng ta đã qua hơn 125 ngày không có dịch, rất mừng, nhưng dịch có thể quay lại bất cứ lúc nào” - Thủ tướng nói. Đồng thời chia sẻ, mặc dù khát khao phát triển rất lớn nhưng Chính phủ quyết định chưa thể đưa khách du lịch vào Việt Nam.
"Nếu bình thường, năm nay đón 21 triệu khách du lịch quốc tế, ta sẽ có doanh thu trên 60 tỷ USD, nhưng năm nay ta gần như bằng không. Nhưng chúng ta chấp nhận để bảo vệ sức khỏe nhân dân, chấp nhận kiểm soát tốt dịch bằng cách không đưa khách du lịch nước ngoài vào từ nay đến cuối năm, dù quyết định này bị phản đối”, Thủ tướng chia sẻ. Tuy nhiên, chúng ta tạo điều kiện đưa nhà đầu tư, nhà ngoại giao, nhà quản lý, công nhân lành nghề vào làm việc, có sự kiểm soát và cách ly.
"Chính phủ rất coi trọng phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Việt Nam là 1 trong 2 nước khu vực châu Á Thái Bình Dương năm nay có tăng trưởng dương, cùng với Trung Quốc. Ở ASEAN, Việt Nam là nước duy nhất tăng trưởng dương, trong khi Thái Lan âm hơn 8,5% dù chính sách tài khóa họ bơm ra hơn 80 tỷ USD. Còn tài khóa của Việt Nam chỉ bơm ra mấy chục triệu USD, rất tiết kiệm. Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi tốt nhất hiện nay. Đến nay, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô nền kinh tế Việt Nam vượt Malaysia năm 2019 và vượt Singapore năm 2020”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chúng ta phải có khát vọng vươn lên để phát triển tốt, không để tình trạng quy mô nền kinh tế thấp. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác đều bảo đảm, quốc phòng khó khăn rất nhiều nhưng chúng ta giữ toàn vẹn đất nước, giữ được cán cân lớn; bảo đảm an ninh lương thực; niềm tin vào Đảng và Nhà nước rất lớn. "Niềm tin rất quan trọng, mất niềm tin là mất tất cả. Phải cố giữ lấy niềm tin, phải giữ uy tín của cán bộ đảng viên. Cán bộ từ xã huyện đến cán bộ chiến lược cần thể hiện uy tín”, Thủ tướng nói. Theo Thủ tướng, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng rất nghiêm khắc đã góp phần cho niềm tin của người dân tăng lên.
Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, khó khăn như hụt thu gần 200.000 tỷ đồng; doanh nghiệp còn gặp khó khăn, nhiều người mất việc làm. Gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng làm chưa tốt; gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do Covid-19 cũng triển khai chậm… Đặc biệt, bão lũ hoành hành ở miền Trung là thiên tai lịch sử, đã thiệt hại rất lớn về người và của, làm giảm GDP. Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang có chương trình khắc phục hậu quả bão lũ quyết liệt, chỉ đạo cụ thể hơn. Chính phủ hỗ trợ cho người dân xây lại nhà ở. "Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội các biện pháp khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung. Trước mắt ứng phó cơn bão số 10 hiệu quả”, Thủ tướng nói.
Đề cập đến tình trạng sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề cho đồng bào, cán bộ chiến sĩ vừa qua, Thủ tướng cho rằng do kết cấu địa chất ở khu vực đó đất sét là chính, mưa trên 1.000 mm trong vòng nửa tháng thì bị nhão; mưa "thối đất” thì không có kết cấu nào chịu được. "Thảm thực vật theo khảo sát vẫn còn 80-90%, nên có thể kết luận, nguyên nhân tác động chính là do mưa lũ đã làm thay đổi kết cấu địa chất của khu vực đó. Thực tế, khu vực Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) không có thủy điện, ở Hướng Hoá (Quảng Trị) - nơi vùi lấp 23 cán bộ chiến sĩ - thì núi cách đó 1,6km, chứ không phải núi tại chỗ; còn sạt lở ở Rào Trăng 3 thì hòn núi cách khoảng 200 - 300m…
Dẫn thực tế mưa lũ gây tác hại ở nhiều nơi, Thủ tướng cho rằng tác hại của thiên nhiên rất lớn, cần đánh giá toàn diện hơn để có biện pháp hạn chế tối đa tác động của con người. Đó là tăng trưởng xanh tốt hơn, hạn chế thuỷ điện tốt hơn nữa để không lấy rừng, đất rừng, "Tây Nguyên không thể thành sa mạc mà Tây Nguyên phải là rừng xanh bạt ngàn”.
Theo Thủ tướng, Việt Nam là nước có độ che phủ lớn nhất (trên 43%), đó là sự cố gắng rất lớn, các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, dọc miền Trung tới đây phải làm tốt hơn. Đó cũng là biện pháp để hạn chế tác động của tự nhiên.
Thủ tướng cũng cho rằng, phải xem xét vấn đề thuỷ điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng. "Quốc hội có nghị quyết là những công trình nào lấy đất rừng thì phải trình ra Quốc hội. Hôm nay, Chính phủ trình ra Quốc hội đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Hồ chứa nước Sông Than, tỉnh Ninh Thuận và dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An. 2 công trình lấy một ít đất rừng nhưng có tác dụng rất lớn để giải quyết nước uống sinh hoạt, nước sản xuất ở khu vực đó. Nếu chứng minh được thì Quốc hội mới thông qua. Còn những công trình thuỷ điện nhỏ, tôi đồng ý với các đồng chí là cần rất hạn chế”, Thủ tướng nói.
(Theo SGGP)