Xuất phát điểm là tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn, nhưng với tiềm năng, lợi thế sẵn có và sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh Yên Bái đã và đang trở thành "thỏi nam châm” hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài nước.
Dù luôn sẵn sàng trải "thảm đỏ” nhưng đối với những dự án chậm tiến độ, quy hoạch "treo” gây lãng phí đất đai, bức xúc trong nhân dân thì tỉnh kiên quyết thu hồi với quan điểm "không thu hút đầu tư bằng mọi giá”, nhất là những nhà đầu tư yếu kém.
Khu Công nghiệp phía Nam tại xã Văn Phú, thành phố Yên Bái là khu công nghiệp có diện tích lớn nhất tỉnh được điều chỉnh mở rộng tăng từ 137,8 ha lên 457,8 ha theo Quyết định số 45/QĐ-UBND ngày 18/01/2010 của UBND tỉnh Yên Bái. Với hạ tầng kỹ thuật được đầu tư cơ bản, vị trí giao thông thuận tiện, kết nối với nút giao IC12, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nên Khu Công nghiệp này được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Tuy nhiên, nhiều dự án sau khi được tỉnh cấp giấy phép đầu tư đã không triển khai dự án như cam kết; thậm chí, tất cả mọi thứ từ quy mô, tổng mức đầu tư vẫn chỉ nằm trên giấy.
Tiêu biểu trong số này phải kể đến Dự án Nhà máy Sản xuất ván ép Quyết Tâm sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu vào ngày 15/2/2016 với tổng mức đầu tư trên 86 tỷ đồng; khi đi vào hoạt động sẽ sản xuất 36.000 m3 ván ép/năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Tuy nhiên, sau 13 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án vẫn "bất động” mặc dù Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh đã nhiều lần gửi văn bản và mời nhà đầu tư đến làm việc để đôn đốc hoàn tất các thủ tục, hồ sơ, triển khai thực hiện.
Do vậy, ngày 29/3/2017, Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư Nhà máy Sản xuất ván ép Quyết Tâm; đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án theo quy định của pháp luật.
Gần đây nhất, ngày 17/8/2020, Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh cũng đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư Nhà máy sản xuất Gạch tuynel có công suất 40 triệu viên/năm do Công ty cổ phần create Capital Việt Nam làm chủ đầu tư.
Được kỳ vọng sẽ tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và cung cấp nguyên liệu cho các hoạt động xây dựng cơ bản trên địa bàn; tuy nhiên, sau 32 tháng kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư lần đầu và sau 12 tháng khi được điều chỉnh dự án lần thứ nhất, Công ty không triển khai thực hiện dự án đầu tư, mọi cam kết của nhà đầu tư vẫn chỉ nằm trên giấy, gây lãng phí tài nguyên đất và bức xúc trong nhân dân.
Ông Trịnh Huỳnh Yên - Trưởng ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh cho biết: "Từ năm 2015 trở lại đây, bên cạnh những dự án đầu tư trong các khu công nghiệp đang phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cho người lao động, đóng góp cho ngân sách địa phương thì cũng có nhiều dự án được cấp phép vẫn nằm im hoặc xây dựng dở dang, gây lãng phí tài nguyên đất. Trước tình hình đó, đơn vị đã báo cáo UBND tỉnh kiên quyết thu hồi quyết định chủ trương đầu tư của những dự án này để dành đất cho những nhà đầu tư thực sự có tiềm lực và thiện chí”.
Cùng với những dự án "nằm” trên giấy tại các khu công nghiệp, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng còn một số dự án chiếm đất tồn tại nhiều năm đến nay vẫn chỉ là những khối nhà dang dở, thậm chí là những bãi đất trống, gây bức xúc trong dư luận.
Đầu tiên phải kể đến dự án sản xuất linh kiện điện tử EDGE GLASS khởi công ngày 3/2/2018. Theo đó, Nhà máy có tổng vốn đầu tư 4.994 tỷ đồng, do 3 Công ty TNHH của Hàn Quốc: PNTECH, KUMYOUNGENG và TRUWIN đầu tư, được xây dựng trên diện tích 6,5 ha, dự kiến có doanh thu 800 triệu USD/năm, tạo việc làm cho 3.000 lao động, mỗi năm sản xuất trên 50 triệu sản phẩm, dự kiến tới cuối tháng 10/2018 Nhà máy sẽ đi vào vận hành thử. Thế nhưng, đến nay, Nhà máy chỉ là bãi đất trống dù tỉnh Yên Bái đã có nhiều công văn đề nghị Công ty cổ phần Edge Glass triển khai dự án.
Hay như Dự án đầu tư khu liên hợp công nghiệp - thương mại - dịch vụ đô thị IC12 do Công ty cổ phần Hoa Sen Yên Bái làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 2.700 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục nhà xưởng công nghiệp, tổng kho trung chuyển, trung tâm thương mại - dịch vụ, khu đô thị, khi đi vào hoạt động sẽ tạo điểm nhấn nơi cửa ngõ vào thành phố Yên Bái cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Thế nhưng, sau hơn 2 năm từ khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư, Dự án vẫn "án binh bất động”. Do vậy, đến ngày 15/2/2019, tỉnh Yên Bái ra Quyết định thu hồi chủ trương đầu tư đối với dự án này.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều dự án bị thu hồi trong thời gian qua do sự chậm trễ trong triển khai thực hiện. Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, khi những dự án không được triển khai thực hiện theo nội dung trong quyết định chủ trương đầu tư, tỉnh Yên Bái sẽ xem xét kỹ lý do là chủ quan hay khách quan để đưa ra những giải pháp phù hợp.
Đường nội bộ, hệ thống chiếu sáng, xử lý nước thải tập trung của Khu Công nghiệp Âu Lâu chưa được xây dựng, khiến việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn
Với những dự án đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: chậm tiến độ liên quan đến công tác thực hiện các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng hay khả năng huy động vốn của nhà đầu tư…
UBND tỉnh ra quyết định thành lập tổ công tác để phối hợp với nhà đầu tư để tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn để tiếp tục triển khai thực hiện dự án, có thể điều chỉnh quyết định chủ trương nếu cần thiết. Điển hình như dự án Sân golf Ngôi Sao Yên Bái bị chậm tiến độ do năng lực tài chính của nhà đầu tư không đáp ứng như cam kết cũng như một số vướng mắc về thủ tục tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng…
Trước tình hình đó, UBND tỉnh cùng các sở, ngành đã hỗ trợ nhà đầu tư từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đến nay, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị đưa toàn bộ dự án vào khai thác, sử dụng.
Ngoài ra, đối với những dự án chậm tiến độ do chủ quan của nhà đầu tư, trên cơ sở mức độ vi phạm, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn điều tra mức độ vi phạm và có chế tài xử lý đúng theo quy định của pháp luật (có thể tạm dừng dự án đầu tư, thu hồi dự án đầu tư hoặc truy cứu trách nhiệm theo từng mức độ vi phạm).
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã thu hồi quyết định chủ trương đầu tư, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của 97 dự án; trong đó, có dự án xây dựng dở dang rồi để đó; có dự án xin cấp giấy chứng nhận chủ trương đầu tư rồi liên tục điều chỉnh thời gian thực hiện, xin gia hạn với nhiều lý do.
Ông Trần Thanh Chương - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thông qua những buổi làm việc trực tiếp nhưng quan điểm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh là kiên quyết thu hồi những dự án không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ hay dự án không hiệu quả để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác thực sự có năng lực”.
Thu hút đầu tư là yêu cầu tất yếu cho phát triển, bởi càng có nhiều nhà đầu tư đến đầu tư dự án tại tỉnh, sẽ đóng góp vào nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người dân. Tuy nhiên, việc tỉnh Yên Bái "trải thảm" để thu hút nhà đầu tư, rồi gặp phải những nhà đầu tư "thất hứa" đã để lại những hệ lụy rất lớn: quỹ đất bị lãng phí, trong khi người dân nhường đất phục vụ dự án lại xót xa và tiếc nuối vì không canh tác được, dù đất đang bỏ hoang.
Hiện nay, tỉnh luôn ưu ái đón chào nhà đầu tư nhưng không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Để công tác thu hút đầu tư đạt hiệu quả, không xảy ra tình trạng cấp phép đầu tư rồi phải thu hồi dự án, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo thu hút đầu tư theo phương cách chọn lọc, chú trọng chất lượng dự án; trong đó, tập trung kêu gọi đầu tư vào du lịch, dịch vụ, thương mại và những ngành nghề, lĩnh vực ít gây tác động đến môi trường.
Hùng Cường - Văn Thông