Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt thi đua lao động sản xuất, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật (KHKT), tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, khuyến khích phát triển kinh tế theo mô hình KTTT, gia trại giúp người dân tự vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu.
Theo đó, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa canh, đa con và chuyển đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa tập trung cho thu nhập cao.
Điển hình như mô hình KTTT tổng hợp của ông Đặng Văn Nam, thôn Ngòi Ngần, xã Bảo Ái. Sau nhiều năm phấn đấu, đến nay, ông đã có 15 ha keo, bồ đề từ 8 đến 10 năm tuổi đã được khai thác và 2 ao cá cho thu nhập ổn định. Không dừng lại ở đó, ông Nam vay thêm vốn phát triển chăn nuôi trâu, bò và hiện ông có 10 con bò và 2 con trâu. Từ mô hình kinh tế này, gia đình ông có thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm.
Ông Đặng Văn Nam cho biết: "Tôi nghĩ, nếu muốn kinh tế phát triển tốt thì phải mở rộng diện tích trang trại và mua con giống về phát triển chăn nuôi. Từ suy nghĩ đó, tôi vận động vợ con tích cực trồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò…”.
Cũng từ việc hưởng ứng phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Trần Tiến Dũng, thôn Đá Chồng, xã Đại Đồng mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò, lợn rừng, gà, trồng trên 5 ha keo. Mới đây, ông khai thác trên 1 ha rừng và xuất bán 3 tấn gà thương phẩm thu về gần 300 triệu đồng.
Được biết, xã Đại Đồng luôn quan tâm việc nhân rộng các mô hình KTTT và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, thời gian qua, xã có chương trình hỗ trợ các gia đình phát triển KTTT về KHKT, cây, con giống và chỉ đạo các đoàn thể, hội đứng ra tín chấp vốn vay giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng mô hình KTTT, gia trại ngày càng phát triển.
Bên cạnh tập trung xây dựng các trang trại, mô hình sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh, huyện Yên Bình còn triển khai, thực hiện tốt việc hỗ trợ các mô hình sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đặc biệt là hỗ trợ các mô hình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá lồng, nuôi cá quây lưới eo ngách theo hướng sản xuất hàng hóa.
Cùng đó, đầu năm 2020, huyện triển khai sâu rộng nhiều đề án phát triển kinh tế hộ gia đình; trong đó, hỗ trợ một lần cho hộ chăn nuôi lợn thịt có quy mô từ 100 con/lứa trở lên tại 4 xã: Tân Hương, Phú Thịnh, Vĩnh Kiên, Vũ Linh; hỗ trợ một lần cho hộ chăn nuôi lợn nái sinh sản có quy mô từ 15 con trở lên tại 5 xã: Bảo Ái, Tân Hương, Phú Thịnh, Vĩnh Kiên, Vũ Linh; hỗ trợ một lần cho hộ chăn nuôi lợn theo quy mô 5 con lợn nái và 50 con lợn thịt trở lên tại 4 xã: Tân Nguyên, Đại Minh, Vĩnh Kiên, Yên Bình; hỗ trợ một lần cho hộ chăn nuôi trâu, bò với quy mô từ 10 con trâu, bò trở lên tại 5 xã: Bảo Ái, Vĩnh Kiên, Yên Thành, Phúc Ninh, Ngọc Chấn.
Hỗ trợ một lần cho 18 hộ nghèo đóng mới lồng nuôi cá tại 6 xã, thị trấn ven hồ Thác Bà gồm: Ngọc Chấn, Yên Thành, Vĩnh Kiên, Thịnh Hưng, Tân Hương, thị trấn Yên Bình với kinh phí 1 tỷ đồng; hỗ trợ một lần cho hộ cải tạo đất ruộng kém hiệu quả chuyển sang làm ao nuôi cá với tổng diện tích 1 ha tại 4 xã: Vũ Linh, Yên Bình, Thịnh Hưng, Phú Thịnh.
Hiện nay, huyện đang tiếp tục triển khai thực hiện đề án hỗ trợ phát triển cây ăn quả có múi với diện tích 50 ha tại 11 xã: Bảo Ái, Cảm Ân, Phú Thịnh, Thịnh Hưng, Hán Đà, Đại Minh, Vĩnh Kiên, Vũ Linh, Phúc An, Yên Thành, Xuân Lai với 34 hộ nghèo tham gia.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, huyện tiếp tục duy trì tốt 5 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm và đăng ký thực hiện 2 dự án mở rộng, 2 dự án mới, 7 dự án sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao, 4 sao theo Chương trình OCOP.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học, các công ty giống cây trồng khảo nghiệm, thử nghiệm một số giống mới có năng suất, chất lượng cao để giúp nông dân có nhiều cơ hội lựa chọn. Liên kết sản xuất thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm kiểm soát chất lượng từ khâu giống, vật tư nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra để đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Ông Nguyễn Thành Đạt - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết: thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước để hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp. Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc các chủ trang trại, gia trại, mô hình kinh tế tập thể thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường và sản xuất ra những sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế.
Chí Sinh