Chiều 8/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ… tổ chức Diễn đàn tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Diễn đàn "Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh và tôn vinh các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực cuộc vận động xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động ” nhằm đem lại một góc nhìn mới về những thách thức và cơ hội từ COVID-19 và hậu COVID-19”.
Thời gian qua, đại dịch COVID-19 và thiên tai tác động nặng nề đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế-xã hội Việt Nam. Dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi cả tư duy, phương thức quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, trong cơ cấu kinh tế vĩ mô và vi mô, đặt ra trạng thái mới, bối cảnh mới cho các khuôn khổ hợp tác toàn cầu, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thúc đẩy hoạt động của Chính phủ điện tử, chuyển đổi hành vi ứng xử của người tiêu dùng và doanh nghiệp, thay đổi triết lý kinh doanh, triết lý sử dụng nguồn nhân lực, văn hóa ứng xử, phương thức giao tiếp, trách nhiệm với cộng đồng, ứng xử với môi trường… Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để thay đổi, bứt phá, cần được nhận thức và hành động phù hợp. Theo đó Văn hóa kinh doanh, Văn hóa doanh nghiệp vừa là yếu tố phát triển bền vững, vừa là động lực của sự thay đổi đó.
Tại phiên tọa đàm của diễn đàn, lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam đã chia sẻ cụ thể những tác động của dịch COVID-19 đến văn hóa kinh doanh và "Kiến nghị giải pháp củng cố, phát triển văn hóa kinh doanh trong bối cảnh mới”.Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng, văn hóa doanh nghiệp là linh hồn tạo nên cốt cách và thương hiệu của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp công ty đoàn kết, vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội sau dịch COVID-19.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao sáng kiến tổ chức diễn đàn của Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép” - vừa kiểm soát dịch COVID- 19 hiệu quả, vừa đẩy mạnh phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, trong hai thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước đột phá, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy các nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội; góp phần quyết định vào việc duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách và đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội.
Hiện nay, cả nước có trên 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng vai trò chủ đạo đóng góp khoảng 42% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm cho xã hội. Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, doanh nghiệp phát triển thì đất nước sẽ phát triển, muốn đất nước thịnh vượng thì phải có lực lượng doanh nghiệp hùng hậu, lớn mạnh và phát triển bền vững. Doanh nghiệp luôn có vị trí đặc biệt, là động lực phát triển và đóng góp quan trọng nhất vào quy mô và tốc độ tăng trưởng của kinh tế đất nước.
COVID - 19 đã tác động đến tất cả các nhân tố thuộc về văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp như: triết lý, đạo đức kinh doanh, văn hóa ứng xử, văn hóa tiêu dùng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sáng tạo xã hội, tinh thần kinh doanh vì xã hội, khởi nghiệp sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững... Để góp phần giảm nhẹ tác động của dịch COVID -19 lên nền kinh tế và đời sống người dân, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn.
Đến nay, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức cơ quan, đoàn thể và cá nhân đã đồng hành cùng Chính phủ tìm cách tái thiết kinh tế đất nước trong bối cảnh "bình thường mới”; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, các giải pháp đặc thù từ góc độ văn hóa vẫn còn đang bỏ ngỏ. Vì thế, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá rất cao việc tổ chức diễn đàn này.
Phó Thủ tướng cho biết những kiến nghị, đề xuất tại diễn đàn sẽ được tập hợp trình lên Thủ tướng Chính phủ để các đề xuất hữu ích nhanh chóng đi vào cuộc sống .
Nhân dịp này, Ban Tổ chức diễn đàn đã tôn vinh các tập thể, doanh nghiệp, cá nhân đã có nỗ lực vượt bậc trong xây dựng, củng cố văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam, từng bước khắc phục tác động bất lợi do đại dịch COVID-19 gây ra, hưởng ứng tích cực cuộc vận động xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động...
(Theo dangcongsan.vn)