Sâm Hoàng sin cô là giống cây sinh trưởng tốt ở độ cao 1.000 m so với mặt nước biển, tốn ít công chăm sóc, có thể trồng xen khoai sọ, gừng. Sau 10 tháng trồng thử đã cho thu hoạch hơn 5 tấn củ trên diện tích 0,6 ha, giá bình quân trên 15.000 đồng/kg.
Năm 2020, HND xã tiếp tục vận động được 6 hộ trồng 1,5 ha và hiện diện tích sâm Hoàng sin cô của xã Xà Hồ đang cho thu hoạch. Sâm sau khi thu hoạch được các thương lái đến thu mua ngay tại nương.
Chị Nguyễn Ngọc Diệu - một khách hàng mua sâm ở Hà Nội cho biết: "Thông qua hoạt động kết nối với HND huyện Trạm Tấu, tôi và một số người bạn đã đến xã Xà Hồ để khảo sát, thu mua Sâm Hoàng sin cô. Qua thực tế đi thu hoạch cùng bà con, có thể đánh giá chất lượng sâm rất tốt. Đặc biệt, ở đây người dân canh tác theo phương thức thủ công, không sử dụng các chất bảo vệ thực vật, nên chất lượng sâm tốt, sạch”.
Ông Mùa A Páo - Phó Chủ tịch HND xã Hà Hồ cho biết: "Ngoài sâm Hoàng sin cô mới được đưa vào trồng, xã đang tập trung chăm sóc tốt diện tích thảo quả, sơn tra, măng sặt, khoai sọ… Đây là những cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, giúp người dân xoá đói giảm nghèo”.
Để giúp nông dân nâng cao giá trị cây trồng của địa phương, năm 2019 Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trạm Tấu triển khai mô hình trồng khoai sọ trên đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả tại thôn Tà Xùa, xã Bản Công với quy mô 3 ha. Tham gia mô hình, người dân đã được hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn kỹ thuật gieo trồng.
Qua thu hoạch, năng suất khoai sọ đạt 7,7 tấn/ha, cao hơn gieo trồng thông thường trước đây từ 30 - 35%. Đây là giống khoai sọ địa phương có chất lượng củ thơm, bở, ngon và từ lâu được người dân trong, ngoài địa phương ưa chuộng.
Với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí ban đầu, mỗi héc - ta khoai sọ đem về cho người trồng trên 43 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng lúa nương và một số cây trồng khác trên cùng diện tích.
Ông Giàng A Trư - Chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết: "Khoai sọ là giống cây lâu năm của địa phương đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thông qua các mô hình trồng khoai sọ, đã góp phần giúp người dân tận dụng có hiệu quả quỹ đất sản xuất, thu hẹp diện tích lúa nương, tạo thêm thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế”.
Những năm qua, huyện Trạm Tấu đã triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh và thực hiện các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng đặc trưng của địa phương như: chè Shan Phình Hồ hơn 600 ha; 80 ha khoai sọ, 132 ha cây măng sặt, 200 ha cây sơn tra tại xã Bản Công, Bản Mù, Xà Hồ; dưa bở trồng ở xã Trạm Tấu và một số loại cây trồng đặc trưng khác như: gạo tẻ đỏ, cây bơ.
Những năm tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông sản đặc trưng, đặc sản của huyện, chăm sóc tốt diện tích cây sơn tra hiện có, đưa quả sơn tra thành sản phẩm hàng hóa và thương hiệu của huyện; thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết 4 nhà trong sản xuất.
Đồng thời, nghiên cứu đưa vào thử nghiệm một số loại cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 10 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Với những kết quả đạt được trong việc trồng thử nghiệm một số cây trồng mới, cùng với những giải pháp nâng cao giá trị cây trồng bản địa sẽ tạo hướng đi mới trong phát triển cây trồng hàng hoá đặc trưng, từng bước giúp người dân trong huyện nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo.
Anh Dũng