Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đinh Đăng Luận: Để đáp ứng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, tỉnh chú trọng đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh; đẩy mạnh huy động các nguồn lực của toàn xã hội và đóng góp của nhân dân để lồng ghép với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Theo đó, đã phân cấp mạnh cho các địa phương chủ động triển khai các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nhằm tăng cường huy động nguồn lực của nhân dân đóng góp; từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân và hiệu quả đầu tư của dự án.
"Mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng hàng năm, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp và XDNTM đạt khoảng 5.000 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước 1.700 tỷ đồng, vốn ngoài Nhà nước 3.300 tỷ đồng” - ông Luận nói.
Đặc biệt, nhằm tạo nguồn lực lớn cho phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với nhiều chính sách ưu đãi các nhà đầu tư như: chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017 - 2020; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020; Đề án củng cố, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác giai đoạn 2017 - 2020; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020 - 2025.
Bên cạnh các chính sách trên, tỉnh còn ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 của HĐND tỉnh.
Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ miễn, giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước, hỗ trợ tập trung đất đai; các doanh nghiệp, hợp tác xã khi tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hỗ trợ về tư vấn xây dựng liên kết, giống, vật tư, bao bì, nhãn mác...; tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ lãi suất tín dụng.
Ngoài ra, tỉnh cũng công khai quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch sử dụng đất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư lựa chọn vị trí phù hợp với ngành nghề, dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh và hưởng các chính sách ưu đãi hỗ trợ của tỉnh; tạo quỹ đất mặt bằng và hạ tầng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Trên cơ sở lợi thế sẵn có cùng với việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao và bước đầu thu được kết quả khả quan. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thu hút được 29 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.202 tỷ đồng và 80 triệu USD.
Mở đầu cho làn sóng đầu tư vào nông nghiệp phải kể đến Dự án chăn nuôi, chế biến thỏ công nghệ cao có vốn đầu tư 78,6 triệu USD tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn của Tập đoàn Nippon Zoki, Nhật Bản.
Tiếp đến là Dự án Đầu tư khu chăn nuôi lợn tập trung công nghệ an toàn sinh học do Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Hòa Yên làm chủ đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 195,4 tỷ đồng, với quy mô nuôi 1.250 lợn nái sinh sản và 9.000 con lợn thịt.
Dự án sản xuất quế hữu cơ gắn với chế biến các sản phẩm từ quế, với quy mô diện tích hơn 500 ha quế được cấp chứng nhận quế hữu cơ của Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.
Ngoài ra, còn có một số dự án sản xuất rau thủy canh, rau, hoa trong nhà lưới; tưới tiết kiệm nước đối với rau, chè, cam, quýt, bưởi; các dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao, khép kín, an toàn sinh học đã được phát triển ở các địa phương trên địa bàn tỉnh; chương trình cải tạo đàn trâu, bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo; nuôi cá lồng thâm canh trên hồ Thác Bà.
Trong năm 2020, một số dự án quy mô lớn đang được khởi công và kỳ vọng thúc đẩy kinh tế, giải quyết việc làm cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; trong đó, phải kể đến dự án trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao khép kín và kết hợp trồng cây ăn quả công nghệ tưới Israel do Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tích hợp ANIFER làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 135 tỷ đồng; quy mô sản xuất 24.000 lợn thịt/lứa, 2.400 lợn nái, 5.000 tấn phân hữu cơ và 600 tấn bưởi da xanh/năm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, một số nhà máy chế biến gỗ rừng trồng với công nghệ tiên tiến đã và đang được triển khai xây dựng như dự án xây dựng nhà máy cưa xẻ, sấy gỗ thành phẩm và sản xuất, xuất khẩu Plywood và nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu do Tập đoàn An Việt Phát làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng.
Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, huy động các nguồn lực đầu tư tương xứng mà nông nghiệp, nông thôn đã có những bứt phá ngoạn mục.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, nhưng sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt và duy trì ở mức khá và bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (3%/năm); tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,13% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, đến nay, tỉnh đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: lương thực có hạt, chè, cây ăn quả, đàn gia súc chính, thủy sản, quế, sơn tra, tre măng Bát độ, dâu tằm, gỗ nguyên liệu.
Nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao như: quế, chè, tinh bột sắn, măng và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 30 - 40 triệu USD/năm, chiếm từ 30 - 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt bình quân đạt 65 triệu đồng/ha/năm; trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt 200 triệu đồng/ha/năm; nhiều diện tích canh tác thu nhập cao, đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.
Đến nay, thu nhập của cư dân nông thôn ước đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng 2 lần so với năm 2015.
Văn Thông