Với tốc độ khai thác khoảng 40.000 m3/năm, vì vậy, những năm cuối của thế kỷ XX, rừng tự nhiên và rừng trồng Yên Bái bị tàn phá đến kiệt quệ, diện tích rừng bị thu hẹp gần tới mức giới hạn để bảo vệ sự cân bằng sinh thái.
Theo số liệu thống kê, năm 2000, toàn tỉnh còn 158.721 ha rừng, trong đó 123.188 ha rừng tự nhiên, trữ lượng còn 11,9 triệu mét khối và 35.533 ha rừng trồng, trữ lượng 0,9 triệu mét khối và 61 triệu cây tre, nứa, vầu. So với năm 1978, đã giảm 183.456 ha, bình quân mỗi năm giảm 13.139 ha. Bên cạnh tình trạng khai thác rừng, tệ nạn chặt phá rừng làm củi đốt, trồng lương thực, khai thác tài nguyên ngày càng tăng. Năm 1996, diện tích đất trống đồi núi trọc chiếm tới 346.000 ha, chiếm khoảng 50% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Vậy mà chỉ sau hơn 20 năm, màu xanh của rừng đã trở lại. Theo số liệu thống kê, cùng các lâm trường, trung bình mỗi năm đồng bào Kinh, Tày, Dao, Mông, Cao Lan... trong tỉnh trồng được trên 15.000 ha rừng. Rừng giờ không chỉ bạt ngàn từ Yên Bình, Văn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, thành phố Yên Bái... mà còn đến các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải.
Cùng rừng trồng, trên địa bàn đã hình thành vùng quế tập trung trên 78.000 ha, tre măng Bát độ gần 5.000 ha, sơn tra gần 10.000 ha, vùng nguyên liệu chế biến gỗ keo, bồ đề, bạch đàn khoảng 95.000 ha. Cùng trồng rừng, trên 433.000 ha rừng hiện có được bảo vệ tốt.
Với tốc độ trồng rừng như hiện nay, theo dự kiến, đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng của Yên Bái sẽ đạt 65%. Từ diện tích rừng hiện có, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm của Yên Bái đạt trên 500.000 m3. Toàn tỉnh có trên 500 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, bắt đầu hình thành các trung tâm chế biến quy mô lớn với công nghệ hiện đại.
Do đó, giá trị sản xuất lâm nghiệp ngày càng tăng, từ 1.587 tỷ đồng năm 2016 lên 1.800 tỷ đồng năm 2019 và dự kiến năm 2020 đạt 1.950 tỷ đồng. Rừng giữ đất, giữ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan môi trường và đem lại cuộc sống ấm no cho hàng vạn hộ dân Yên Bái.
Có được những kết quả trên, nguyên nhân chính do sản xuất lâm nghiệp luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Bên cạnh đó, để phát huy thế mạnh lâm nghiệp, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để phát triển lĩnh vực lâm nghiệp như: giao khoán bảo vệ rừng; quy hoạch 3 loại rừng; giao đất, giao rừng cho người dân; quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến...
Đồng thời, tỉnh đổi mới cơ chế, mô hình quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng. Hàng năm, tỉnh luôn quan tâm, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ để thực hiện các đề án tái cơ cấu sản xuất lâm nghiệp, chính sách hỗ trợ là đòn bẩy kích thích các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ, phát triển rừng.
Qua tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức, nhiều phong trào, nhận thức của người dân về trồng rừng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng lâm nghiệp có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, dịch vụ môi trường rừng thời gian qua được thực hiện tốt thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành lâm nghiệp, từng bước giảm áp lực chi ngân sách Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho các chủ rừng và người dân làm nghề rừng.
Bên cạnh đó, công tác quản lý giống cây lâm nghiệp được quan tâm, thực hiện thay thế những loài cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế thấp, năng suất, chất lượng sản phẩm không đủ sức cạnh tranh trên thị trường bằng các giống cây lâm nghiệp mới có năng suất cao, chất lượng sản phẩm gỗ đáp ứng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác...
Những kết quả đạt được thật sự to lớn, tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá, giá trị sản xuất lâm nghiệp trong phát triển kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa quy mô lớn. Dù số lượng có tăng nhưng năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng còn thấp, chưa có sản phẩm chế biến sâu, chất lượng nhiều loại sản phẩm lâm nghiệp chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp do quy mô sản xuất nhỏ, thiếu gắn kết giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu. Tuy đã hình thành được một số chuỗi sản xuất lâm nghiệp nhưng mới chỉ dừng lại ở các sản phẩm đặc sản như: quế, sơn tra...
Phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật đa mục tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó, tiếp tục đưa sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc, sâu rộng; đặc biệt, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ các nguồn gen quý, hiếm; ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới; góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh... là mục tiêu đặt ra. Để thực hiện các mục tiêu trên, thời gian tới, cần thành lập ban chỉ đạo thực hiện chương trình quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng từ tỉnh đến cơ sở.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải coi nhiệm vụ quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của địa phương để tập trung chỉ đạo. Nâng cao hiệu quả trồng và bảo vệ rừng, cần hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng cho các tổ chức, hộ cá nhân, cộng đồng dân cư thôn bản để quản lý, sử dụng ổn định lâu dài, gắn lợi ích của người dân với rừng, tạo thu nhập từ rừng cho người dân.
Tiếp tục tập trung phát triển vùng quế hữu cơ gắn với chế biến sâu và tinh các sản phẩm từ quế; phát triển vùng tre măng Bát độ, đẩy mạnh xúc tiến và mở rộng thị trường xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài các sản phẩm từ tre măng; phát triển các sản phẩm từ sơn tra và trồng cây dược liệu dưới tán rừng, góp phần xây dựng vùng dược liệu quy mô lớn tập trung.
Tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng thâm canh trên diện tích đất quy hoạch trồng rừng sản xuất bằng các loài cây chủ lực như: keo mô, keo tai tượng gieo ươm từ hạt giống nhập ngoại, bạch đàn, bồ đề; lựa chọn những giống cây thích hợp với nhiều dạng địa hình, khí hậu, đất đai khác nhau, sinh trưởng nhanh đưa vào trồng rừng.
Bên cạnh quản lý, bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, phòng hộ hiện có, cần lựa chọn cơ cấu cây trồng trong rừng phòng hộ phù hợp với điều kiện lập địa, sinh thái, ưu tiên những cây trồng đa tác dụng. Thực hiện các biện pháp lâm sinh như làm giàu rừng, khoanh nuôi tái sinh kết hợp trồng bổ sung bằng những loài cây bản địa, có giá trị kinh tế vào diện tích rừng tự nhiên phòng hộ, đăc dụng nghèo, nghèo kiệt.
Rà soát và sắp xếp lại các cơ sở chế biến vừa và nhỏ trên địa bàn để chủ động trong việc quản lý nguồn nguyên liệu, giám sát các hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế sự lãng phí trong sử dụng tài nguyên rừng.
Thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, mặt bằng, tín dụng… để thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản từ gỗ rừng trồng với quy mô lớn, dây chuyền hiện đại, sản xuất ra sản phẩm cuối cùng, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào 5 lĩnh vực chính: ứng dụng công nghệ sinh học; ứng dụng vật liệu mới; ứng dụng công nghệ máy móc tự động hóa; ứng dụng công nghệ tin học vào quản lý lâm nghiệp; xây dựng thương hiệu - xúc tiến đầu tư - thương mại lâm nghiệp công nghệ cao.
Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế lâm nghiệp của Yên Bái chiếm 37% trong nội ngành nông nghiệp; có trên 40.000 ha rừng cây gỗ lớn; có 100.000 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng (FSC) và ứng dụng phần mềm công nghệ trong quá trình sản xuất, kinh doanh và truy xuất nguồn gốc chuỗi sản phẩm nông sản (VFSC); bình quân hàng năm, trồng trên 15.000 ha rừng các loại. |
Nguyễn Đình