Phát triển mạnh nông nghiệp và kinh tế nông thôn - Bài 2: Đổi mới từ quy hoạch đến sản xuất

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/12/2020 | 7:53:49 AM

YênBái - Cùng với cả nước, ngành nông nghiệp Yên Bái đang thực hiện chuyển dịch từ mô hình tập trung vào số lượng sang mô hình chất lượng, đồng nghĩa với sự chuyển dịch mạnh mẽ trong sản xuất của từng địa phương, từng vùng từ manh mún nhỏ lẻ sang quy hoạch theo tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh và xu thế phát triển theo hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị của toàn ngành.

Một mô hình chăn nuôi thủy sản trên hồ Thác Bà.
Một mô hình chăn nuôi thủy sản trên hồ Thác Bà.


Trên cơ sở đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và trình độ sản xuất giữa các vùng, địa phương, tỉnh chú trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển theo quy hoạch vùng sản xuất và cơ cấu lại theo quy hoạch lĩnh vực, sản phẩm. 

Khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, hình thành vùng sản xuất sản phẩm chủ lực hàng hóa quy mô lớn ở vùng thấp. 

Ở vùng cao thực hiện quy hoạch sản xuất theo hướng ổn định an ninh lương thực và đa dạng sinh kế theo tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; trong đó, ưu tiên, tập trung phát triển một số sản phẩm đặc sản, hữu cơ. Rà soát lại quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo tiềm năng lợi thế và nhu cầu thị trường. 

Đến nay, tỉnh đã xây dựng và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chuyên canh với quy mô lớn và chất lượng ngày càng nâng cao với vùng quế gần 78.000 ha, vùng tre măng Bát độ trên 6.600 ha, Sơn tra gần 10.000 ha, lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha, ngô 15.000 ha, cây ăn quả gần 10.000 ha, chè 8.000 ha (chè Shan trên 1.700 ha, chè giống tiến bộ kỹ thuật trên 3.500 ha), dâu tằm gần 1.000 ha; vùng gỗ nguyên liệu 200.000 ha; đàn trâu, bò gần 130.000 con; vùng nuôi thủy sản trên 2.600 ha và trên 2.000 lồng cá... 

Đối với vùng sản xuất lương thực hàng hóa tập trung phát triển theo quy hoạch, đã hình thành được vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung của tỉnh theo mục tiêu đề ra đạt trên 2.500 ha, gồm cánh đồng Mường Lò thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn 1.400 ha, cánh đồng Đại Phú An - Đông Cuông, huyện Văn Yên 600 ha, cánh đồng Mường Lai - Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên 500 ha; sản lượng lúa hàng hóa đạt trên 28.000 tấn/năm. 

Vùng sản xuất ngô chuyên canh trên 12.500 ha tập trung tại các huyện Văn Yên 2.000 ha, Lục Yên 2.000 ha, Văn Chấn 2.800 ha, Trấn Yên 400 ha, Yên Bình 500 ha, Trạm Tấu 1.800 ha, Mù Cang Chải 3.000 ha; sản lượng ngô toàn tỉnh đạt 99.000 tấn/năm. 

Đặc biệt, tỉnh đưa vào quy hoạch phát triển sản phẩm đặc sản địa phương đối với gạo nếp Tú Lệ, diện tích hiện có trên 100 ha, tập trung chủ yếu tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn; sản lượng bình quân ước đạt 400 tấn/năm, giá trị đạt 3 tỷ đồng, đạt mục tiêu quy hoạch phát triển đến năm 2020.

Trên quan điểm phát triển nền nông nghiệp bền vững, phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển mạnh các sản phẩm hàng hóa chủ lực theo vùng tập trung đi đôi với sản xuất các sản phẩm đặc sản bản địa, hữu cơ gắn với văn hóa và điều kiện sinh thái từng địa phương, tỉnh chỉ đạo thực hiện quy hoạch lĩnh vực, sản phẩm tập trung vào nhóm 10 sản phẩm chủ lực bao gồm lương thực có hạt; chè; cây ăn quả; sản phẩm chăn nuôi; sản phẩm nuôi trồng và khai thác thủy sản; quế; sơn tra; măng tre Bát độ; dâu, tằm; gỗ nguyên liệu. 

Nhóm các sản phẩm đặc sản, hữu cơ và cây dược liệu chú trọng một số sản phẩm đặc trưng như: lúa nếp đặc sản xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn; bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình; cam sành Lục Yên; sơn tra Mù Cang Chải và Trạm Tấu; chè Shan hữu cơ của Văn Chấn và Trạm Tấu; vịt bầu Lâm Thượng, Lục Yên; gà đen đặc sản vùng cao; lợn bản địa Yên Bái; quế sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ và các chủng loại cây dược liệu quý. 

Tỉnh đã triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm thông qua thực hiện các dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý, dự án thực hành quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo phát triển sản xuất ổn định và bền vững. 

Được biết, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã phê duyệt và triển khai thực hiện 30 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là trên 77.440 tỷ đồng. 

Các dự án liên kết tập trung chủ yếu vào các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh; trong đó, huyện Yên Bình có chuỗi cá hồ Thác Bà; chuỗi bưởi Đại Minh; chuỗi gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gỗ keo theo tiêu chuẩn FSC với quy mô trên 2.000 ha. 

Trấn Yên có chuỗi dâu tằm tơ; chuỗi măng tre Bát độ; chuỗi sản xuất chăn nuôi gà Minh Dư… Các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được triển khai thực hiện bước đầu cho kết quả, tạo nền tảng mở rộng phạm vi, quy mô thực hiện trong giai đoạn tới, góp phần đảm bảo cho sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh một cách hiệu quả và bền vững. Đã có một số sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý như: nếp Tú Lệ, huyện Văn Chấn; bưởi Khả Lĩnh, huyện Yên Bình. 

Năm 2020, có thêm 3 sản phẩm là: mật ong Mù Cang Chải; cam và chè Shan Văn Chấn; xây dựng mới nhãn hiệu chứng nhận và xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận cho 11 sản phẩm của các huyện: Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên, Trạm Tấu. Dự kiến đến hết năm 2020, tỉnh thực hiện 57 dự án chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: chè, rau, cây ăn quả có múi, sản xuất lúa gạo...

Từ sản xuất nông hộ, tự sản tự tiêu thì nay nông dân Yên Bái đã từng bước bắt kịp xu thế tất yếu phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông, lâm, thủy sản mà hợp tác xã là phương thức sản xuất tốt nhất để thực hiện vai trò liên kết giữa các nhà. 

Hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bền vững hơn với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, góp phần hình thành chuỗi giá trị trong nông nghiệp gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. 

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đã thu hút trên 51.800 thành viên tham gia; doanh thu bình quân của 1 hợp tác xã là 860 triệu đồng/năm, tạo việc làm với mức thu nhập bình quân của thành viên, người lao động là 36 triệu đồng/năm. 

Trên thực tế, hoạt động của các hợp tác xã đã thực sự có tác dụng thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo ra mối liên kết, hợp tác giữa các hộ thành viên trong hợp tác xã và giữa thành viên với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa khác, góp phần gia tăng sản lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản; huy động có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay; thể hiện rõ vai trò trong phát triển kinh tế thị trường, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế. 

Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 443 hợp tác xã, 3.662 tổ hợp tác; bình quân mỗi năm thành lập mới 61 hợp tác xã. Riêng 5 năm qua, toàn tỉnh đã thành lập mới 153 hợp tác xã, 2.858 tổ hợp tác, nhiều nhất là các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Trong đó, số hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 60% tổng số hợp tác xã toàn tỉnh. Quan điểm của tỉnh là tập trung phát triển đa dạng các loại hình hợp tác xã, tổ hợp tác; phát triển các hợp tác xã nông nghiệp đa ngành nghề gắn với các vùng nguyên liệu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất của người dân. 

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp được đẩy mạnh chuyển dịch từ trồng trọt sang phát triển chăn nuôi, thủy sản theo hướng chuyên canh, góp phần quan trọng trong tổ chức lại sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa trên địa bàn. 

Nhiều hợp tác xã được củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động đã khẳng định được vai trò trong phát triển nông nghiệp, nông thôn ví như Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam tại xã Đào Thịnh huyện Trấn Yên; Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, huyện Văn Chấn...

Ngành nông nghiệp đổi mới, cơ cấu lại thực sự mang đến một làn gió mới thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nông nghiệp, kinh tế nông thôn, khơi mở tiềm năng, thế mạnh của ngành nông nghiệp miền núi, đánh thức sản xuất hàng hóa thích ứng nhu cầu thị trường ở vùng cao Yên Bái. 

Minh Thúy

Tags kinh tế nông thôn sản phẩm đặc sản Nghĩa Lộ Văn Chấn Bát độ Sơn tra chè shan lúa hàng hóa VietGAP

Các tin khác
Mù Cang Chải Ecolodge - điểm du lịch sinh thái hấp dẫn tại bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Thanh Miền)

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định và triển khai thực hiện 3 đột phá và 4 chương trình trọng điểm; trong đó, chú trọng chương trình phát triển du lịch “Xanh, bản sắc, an toàn, thân thiện”.

Người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính thuế tại Chi cục Thuế thành phố Yên Bái.

Trong 10 tháng đầu năm 2020, ngành thuế Yên Bái đã thực hiện tuyên truyền 525 tin, bài, ảnh, công khai 297 thủ tục hành chính (TTHC), đăng tải 420 lượt văn bản hướng dẫn về thuế, trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mô hình trồng cây sả chanh để sản xuất túi lọc thảo dược tại xã Liễu Đô.

Để đẩy mạnh Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và thực hiện một số mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp năm 2020, UBND huyện Lục Yên đã hỗ trợ mô hình trồng cây sả chanh “sả Java” để sản xuất túi lọc tắm thảo dược tại xã Liễu Đô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục